Nguyễn Văn Trai, Phạm Thế Vĩnh - Khoa HHTM
Máu được tạo thành từ các tế bào như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Chức năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như sẽ loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa.
Máu có 4 nhóm máu chính: A, B, AB, O và 2 nhóm phụ khác song song với hệ ABO là Rh+ (Dương) và Rh- (âm). Nhóm máu phổ biến có nhiều là nhóm máu O (49%), riêng nhóm AB chỉ chiếm 4-5%. Đặc biệt nhất là nhóm máu hiếm Rh- chiếm tỉ lệ cực nhỏ (0,4%) có nghĩa là rất, rất ít những người mang trong mình dòng máu hiếm nhưng nếu bạn lỡ mang trong người dòng máu này thì phải hết sức cẩn thận và nên tìm hiểu về nó vì chỉ những người có dòng máu hiếm mới có thể truyền máu được cho nhau. Trong trường hợp đặc biệt cần máu, nếu không đủ hoặc truyền không đúng sẽ gây tác hại cho cơ thể có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, công tác tuyên truyền về vận động và hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào hoạt động của xã hội. Thanh niên, sinh viên và tình nguyện viên luôn là lực lượng tiên phong trong các hoạt động này. Mục đích của hiến máu nhân đạo là tăng cường số lượng máu cung cấp cho các bệnh viện để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, ngoài ra còn để dự phòng thảm họa. Hiến máu là cho máu tốt, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường truyền máu như nhiễm HIV/AIDS, siêu vi gan B, C, giang mai, sốt rét… vì những người hiến máu tình nguyện là những người khỏe mạnh thực sự.
Ở nước ta hiện nay, mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu. Đó là những người bệnh bị mất máu do chấn thương, do tai nạn, thiên tai, thảm họa; đó là những người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa, hay do các bệnh thiếu máu, chảy máu như ung thư máu, suy tủy xương hay bệnh máu khó đông; các phương pháp y học hiện đại cần truyền máu như phẩu thuật tim mạch, ghép tạng. Mỗi ngày cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu điều trị, cho cấp cứu và dự phòng các thảm họa, tai nạn. Hiện tại, chúng ta đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu máu cho điều trị. Mỗi đơn vị máu đều phải có hồ sơ, trong đó có các thông tin về người hiến máu. Theo quy định, đây là một thủ tục cần thiết trong quy trình hiến máu để đảm bảo tính xác thực thông tin về người hiến máu.
Một điều những người hiến máu thường quan tâm và thắc mắc, đó là hiến máu có hại cho sức khỏe không. Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khỏe. Điều này đã được chứng minh bằng các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế. Cơ sở khoa học: Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới. Cơ sở khoa học cho thấy, nếu mỗi lần hiến máu dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nắm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Cơ sở thực tế: Thực tế đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, có người hiến máu đã đến 100 lần, sức khỏe của họ vẫn tốt. Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh.
Khi tham gia hiến máu, người hiến máu tình nguyện sẽ được hưởng quyền lợi và chế độ đối với người hiến máu tình nguyện theo Thông tư số 21/2009/TT - BYT ngày 20 tháng 12 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và điều chế các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn. Cụ thể như sau:
- Được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.
- Được bồi hoàn máu miễn phí (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu)
- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố
- Được bồi dưỡng một suất ăn nhẹ tại chỗ
- Được trao tặng một món quà lưu niệm và hỗ trợ một phần chi phí đi lại
- Ngoài ra, người tham gia hiến máu tình nguyện luôn luôn được xã hội tôn vinh, được mọi người kính trọng, thể hiện giá trị nhân văn cao cả của con người Việt Nam
- 27/07/2013 18:22 - Tuyển lãnh đạo, tránh tình trạng ‘sống lâu lên lão…
- 27/07/2013 09:47 - Tầm soát mắt ở bệnh nhân Đái tháo đường type 2
- 21/07/2013 14:43 - Plasmodium Knowlesi - Ký sinh trùng sốt rét khỉ gâ…
- 15/07/2013 13:03 - Cập nhật một số phản ứng liên quan đến truyền máu
- 10/07/2013 19:12 - Thử nghiệm ELISA trong xét nghiệm HIV
- 06/07/2013 07:23 - Hội chứng HELLP
- 03/07/2013 09:33 - Tật khúc xạ - đôi điều cần biết cho mọi người
- 30/06/2013 20:24 - Đánh giá liệu pháp điều trị hội chứng ruột kích th…
- 28/06/2013 05:36 - Những thuận lợi khi triển khai phần mềm khám chữa …
- 27/06/2013 10:24 - Phục hồi chức năng người bệnh liệt tủy