Ths Bs Dương Ngọc Vinh - Khoa Mắt
Tật khúc xạ (TKX) là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng. Theo các điều tra tại một số trường học ở các thành phố lớn, tỉ lệ cận thị là gần 30%. Tật khúc xạ xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em (chiếm >70%). Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như các sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Khi ta nhìn thấy đồ vật rõ nét, tức là mắt bình thường, lúc đó hình ảnh đồ vật sẽ hiện đúng trên võng mạc của mắt.
Mắt bình thường (chính thị) : Ảnh của các vật luôn rơi đúng trên VM.
Khi mắt bị TKX tức là mắt có thiếu sót ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không tạo thành tiêu điểm rõ nét trên võng mạc. Lúc ấy, mắt bị TKX nhìn đồ vật sẽ bị nhòe, mờ, không rõ nét.
Cận thị : là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở trước võng mạc. Mắt cận thị nhẹ thường nhìn gần vẫn bình thường, nhưng nhìn xa không rõ. Cận thị có thể đơn độc hoặc kèm theo loạn thị.
Mắt cận thị : Ảnh của các vật luôn rơi trước VM.
Viễn thị : là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở sau võng mạc. Mắt viễn thị nhẹ có thể nhìn bình thường nhưng thường bị mỏi mắt do điều tiết. Nếu viễn thị nặng thì nhìn các vật ở cả xa và gần đều mờ. Viễn thị có thể kèm theo loạn thị.
Mắt viễn thị : Ảnh của các vật luôn rơi sau VM.
Loạn thị : là khi các tia sáng tới mắt không hội tụ ở một điểm mà ở nhiều điểm khác nhau trên võng mạc (thường là do giác mạc có độ cong khác nhau giữa các kinh tuyến làm cho giác mạc không phải là dạng chỏm cầu thực sự). Mắt loạn thị nhìn vật bị mờ và biến dạng. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị hoặc viễn thị.
Mắt loạn thị : Ảnh của một điểm là hai đường thẳng vuông góc.
Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn tới tật khúc xạ
- Do những thói quen xấu như tư thế ngồi học không đúng, cúi quá gần sách vở.
- Do ánh sáng không đầy đủ.
- Do thời gian học ngày càng tăng, thời gian sử dụng mắt để nhìn gần nhiều.
- Trẻ em đặc biệt là những trẻ ở thành phố ngày càng được sớm tiếp cận với những trò chơi trên máy tính.
- Các bậc cha mẹ chưa có thái độ đúng đắn và chưa thực sự chú trọng đến những tác hại của những vấn đề trên.
Biểu hiện khi có TKX
- Trẻ thường không nhìn rõ các vật ở xa, như đi học không nhìn rõ hoặc hay nhầm lẫn chữ viết trên bảng
- Khi xem Tivi thường hay nheo mắt hoặc phải lại gần mới xem rõ.
Điều trị tật khúc xạ
Có thể là đeo kính hay được phẫu thuật
Đeo kính
- Những trường hợp TKX nặng cần được phát hiện sớm, đeo kính đúng để tránh nhược thị cho trẻ. Việc đeo kính sớm và đúng thường xuyên còn giúp thị giác của trẻ phát triển.
- Những trẻ có chênh lệch khúc xạ lớn giữa hai mắt cũng cần được đeo kính đúng và đủ số, nên đeo kính thường xuyên để tránh nhược thị.
- Đối với trường hợp loạn thị, việc đeo kính thường xuyên giúp cho mắt nhìn rõ và đỡ mệt mỏi, nhức đầu, nhất là với các công việc cần nhìn gần.
- Các TKX nặng và kèm theo lác cũng cần đeo kính thường xuyên (vì không những điều chỉnh được TKX mà còn có thể điều chỉnh được cả lác).
- Các TKX nhẹ cần được hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp.
- Trẻ bị TKX nên khám định kỳ mỗi 3 - 6 tháng (là khoảng thời gian đủ để có những thay đổi đáng kể phải thay đổi kính). Tùy trường hợp mà các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khúc xạ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Khi bị TKX cần phải mang kính gọng đúng số. Nếu vì một lý do nào đó, bệnh nhân không muốn dùng kính gọng thì có thể lựa chọn phương cách khác như đeo kính áp tròng.
Phẫu thuật
Nếu bệnh nhân trên 18 tuổi, không muốn đeo kính thì có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị TKX.
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là sử dụng Laser Excimer. Đây là phương pháp có độ an toàn rất cao, có tính chính xác lớn, có thể điều trị độ cận thị từ -1,00D đến -15,00D; điều trị độ viễn thị từ +1,00 đến + 7,00D và độ loạn từ 1,00 đến 5,00D.
Điều trị bằng Laser : Giác mạc được gọt mỏng bằng tia Laser
Các vấn đề vệ sinh thị giác
- Cần bàn học vừa với kích thước cơ thể của trẻ.
- Khi làm việc gần, cần có khoảng cách thích hợp (khoảng cách từ mắt đến sách đọc khoảng 30 - 40cm là tốt nhất).
- Nơi trẻ học cần đủ ánh sáng và phải có sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt. Ngoài sự chiếu sáng trong phòng nên có một ngọn đèn bàn đặt phía bên tay trái (nếu thuần tay phải và ngược lại). Không đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều.
- Chữ viết trên bảng cũng như chữ in trong sách phải rõ ràng; bảng và giấy không quá bóng.
- Trẻ sẽ được khuyên nên đeo kính khi đọc sách hay không tùy trường hợp.
- Không nên làm việc bằng mắt liên tục kéo dài. Mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn nhìn ra xa. Trẻ em có độ cận thị nặng cần được điều hòa giữa công việc sách vở và các hoạt động giải trí ngoài trời.
- 21/07/2013 14:43 - Plasmodium Knowlesi - Ký sinh trùng sốt rét khỉ gâ…
- 15/07/2013 13:03 - Cập nhật một số phản ứng liên quan đến truyền máu
- 10/07/2013 19:12 - Thử nghiệm ELISA trong xét nghiệm HIV
- 07/07/2013 14:51 - Hiến máu tình nguyện và quyền lợi của người hiến m…
- 06/07/2013 07:23 - Hội chứng HELLP
- 30/06/2013 20:24 - Đánh giá liệu pháp điều trị hội chứng ruột kích th…
- 28/06/2013 05:36 - Những thuận lợi khi triển khai phần mềm khám chữa …
- 27/06/2013 10:24 - Phục hồi chức năng người bệnh liệt tủy
- 26/06/2013 08:19 - Chế độ ăn điều trị trong bệnh viện
- 20/06/2013 18:13 - Trà xanh, cà phê có thể bảo vệ chống đột quỵ