Bs Đặng Ngọc Thành – khoa Cấp cứu
I. Đại cương:
Trật khớp thái dương – hàm dưới (sai khớp hàm) là một bệnh (hay tai nạn) thường gặp trong số những người bệnh vào khoa cấp cứu hàng ngày. Nắm được triệu chứng và cách xử trí đúng sẽ giải quyết nhanh chóng cho người bệnh, hạn chế sự đau đớn, cảm giác khó chịu, đồng thời tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác, nhất là với người già lú lẫn, dẫn đến thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết.
II. Sơ lược về giải phẫu khớp thái dương – hàm dưới:
- Khớp thái dương – hàm dưới là khớp động duy nhất ở xương đầu mặt. Đó là một khớp lưỡng lồi cầu. Mặt khớp gồm: Diện khớp ở xương thái dương, diện khớp ở xương hàm dưới, đĩa khớp.
+ Diện khớp ở xương thái dương, gồm 2 phần:
* Diện khớp: của hố hàm dưới thuộc phần trai xương thái dương, diện khớp chỉ chiếm nửa trước của hố hàm.
* Củ khớp: liên tiếp với diện khớp của hố hàm, hố hàm lõm nằm ở phía sau, còn củ khớp lồi, do đó diện khớp xương thái dương lõm ở phía sau và lồi ở phía trước.
+ Diện khớp xương hàm dưới: Là chõm xương hàm dưới, thuộc mõm lồi cầu xương hàm dưới.
+ Đĩa khớp: Vì diện khớp xương thái dương không thích ứng với diện khớp xương hàm dưới nên phải có đĩa khớp chêm vào giữa hai diện khớp. Đĩa khớp là một tấm xơ – sụn có hình một cái đĩa bầu dục với trục lớn nằm ngang, hai mặt trên và dưới đều lõm để thích ứng với diện khớp xương thái dương và diện khớp xương hàm dưới.
Lúc há miệng vừa phải thì chõm xương hàm dưới nằm dưới củ khớp xương thái dương. Lúc há miệng quá to (ví dụ khi ngáp) thì chõm xương hàm dưới lại nằm ra trước củ khớp nên bị cản lại không ngậm miệng được, gọi là trật khớp thái dương – hàm dưới.
III. Lâm sàng:
- Thường sau một động tác há miệng quá mức thì hàm bị vẹo sang một bên (trật một bên) hoặc hàm trễ xuống ra trước (trật cả hai bên), miệng há không ngậm lại được, chảy nước bọt.
- Khó nuốt, khó nhai, đau mỏi khớp, đau đầu.
- Nhìn dáng mặt: Cằm lệch về bên lành (trật một bên); Cằm nhô ra trước (trật hai bên).
- Má hóp bên lành, dẹt bên trật (trật một bên); Má hóp hai bên (trật hai bên).
- Miệng há nhỏ (trật một bên); Miệng há to (trật hai bên).
- Sờ lồi cầu bên trật: hơi lồi dưới da (trật một bên); Lồi cầu nằm trước nắp bình tai (trật hai bên).
IV. Cận lâm sàng:
Trật khớp thái dương – hàm thường chẩn đoán dựa vào lâm sàng là chính. Trong một số trường hợp, để xác định kiểu trật hoặc xem có gãy lồi cầu hay không, để đánh giá các tổn thương phối hợp, bệnh nhân thường được chỉ định chụp Xquang khớp thái dương – hàm hoặc chụp Cắt lớp vi tính hệ thống xương sọ, mặt.
V. Xử trí tại khoa cấp cứu:
- Sau khi đã xác định chẩn đoán, cần giải thích cho người bệnh biết để hợp tác làm thủ thuật.
- Nên cho thuốc giảm đau hoặc giãn cơ nhẹ trước khi thực hiện thủ thuật.
- Tư thế người bệnh: ngồi, dựa lưng và đầu vào ghế hoặc tường cứng, nhìn thẳng.
- Tư thế người nắn: đứng trước mặt người bệnh, dùng hai miếng gạc lót vào mặt nhai của răng hàm dưới ở vị trí các răng phía trong rồi dùng hai ngón cái đè lên gạc, bốn ngón còn lại giữ chặt góc hàm phía ngoài. Dùng lực ấn góc hàm xuống dưới và đẩy ra sau (chú ý trật bên nào thì nắn bên đó, nếu trật hai bên thì nắn hai bên cùng một lúc). Khi có cảm giác “trượt” ở đầu tay và người bệnh ngậm miệng lại bình thường chứng tỏ khớp đã trở về vị trí ban đầu.
Nếu nắn lần đầu chưa được thì có thể nắn lại. Những trường hợp khó: người bệnh lo lắng, không hợp tác, đau nhiều, cơ co cứng không nắn được…cần gây mê và thực hiện thủ thuật tại phòng mổ.
Cách đặt tay trong nắn trật khớp thái dương-hàm (hình minh họa)
Khi đã nắn thành công, cần băng chun cằm đầu 10 -14 ngày để tránh tái phát và hạn chế các tác động quá mức lên ổ khớp. Dặn dò người bệnh chế độ ăn mềm, hạn chế nói chuyện to, cười lớn, há miệng quá mức…
- Những trường hợp trật khớp tái phát nhiều lần, nên đi khám chuyên khoa để được hướng dẫn và điều trị đúng.
- 27/03/2019 17:50 - Statin và các biến cố
- 20/03/2019 18:32 - Tình hình nhiễm lao hiện nay
- 20/03/2019 18:09 - Carbimazol hoặc thiamazol và nguy cơ viêm tụy cấp
- 10/03/2019 09:51 - Chăm sóc bệnh nhân sởi tại nhà
- 05/03/2019 20:22 - Cập nhật thông tin về các loài rắn độc ở Việt Nam
- 23/02/2019 15:24 - Cập nhập các chủng virus gây sốt xuất huyết
- 23/02/2019 15:17 - Điều trị bằng siêu âm
- 23/02/2019 15:01 - Một số kiến thức cơ bản về bệnh sởi
- 20/02/2019 11:29 - Phục hồi chức năng bong gân
- 15/01/2019 19:32 - Điều kiện bảo quản thuốc, vắc xin, dược liệu, vị t…