Bs Phùng Thị Bích Chiến - Khoa Y học nhiệt đới
1. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh sốt xuất huyết được biết đến phổ biến là do virus Dengue gây ra. Tuy nhiên, thực tế số loài virus có khả năng gây bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng từ những virus thuộc nhóm nguy cơ thấp đến nhóm nguy cơ rất cao (cấp độ 4) có tính lây truyền cho cộng đồng cao, và độc tính mạnh như virus Ebola, virus Marburg.
Đặc điểm chung của virus gây bệnh sốt xuất huyết
Các virus gây bệnh sốt xuất huyết thuộc bốn họ virus chính: họ arenaviridae, filoviridae, bunvaviridae và flaviviridae với những loài tiêu biểu như: virus Dengue, virus Hanta, virus Lassa, virus Ebola và virus Marburg, Các virus này có những đặc điểm chung như:
- Có vật liệu di truyền là RNA (axit ribonucleic) và vỏ lipid bao bọc bên ngoài.
- Túc chủ tự nhiên có thể là động vật hay côn trùng.
- Chủ yếu phân bố ở những vùng sinh sống của túc chủ.
- Lây nhiễm vào người thông qua túc chủ trung gian. Một số có thể truyền từ trực tiếp từ người sang người.
- Các ca bệnh hay vụ dịch sốt xuất huyết thường xảy ra rải rác và không thường xuyên nên rất khó dự đoán dịch bệnh.
- Không có thuốc điều trị cho các virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Túc chủ trung gian của virus gây bệnh sốt xuất huyết
Hầu hết các virus gây bệnh sốt xuất huyết ở người đều có túc chủ trung gian. Chúng xâm nhập, sinh sôi, phát triển trong cơ thể của các túc chủ này và truyền bệnh cho người. Các túc chủ trung gian của những virus này thường là động vật gậm nhấm và loài chân đốt, phổ biến là các loại chuột và muỗi. Đối với virus Ebola, và virus Marburg cho đến nay con người vẫn chưa xác định được túc chủ trung gian của chúng. Ebola vốn là tên một vùng đất tại Công Gô nơi virus này được phát hiện lần đầu tiên. Các nhà khoa học cho rằng virus này bình thường tồn tại trong một túc chủ là sinh vật bản địa vùng châu Phi, tuy nhiên nguồn gốc xuất xứ và môi trường tồn tại của nó vẫn chưa được biết chính xác. Chính vì vậy, con người chỉ có khả năng phát hiện virus này khi nó xâm nhập vào cơ thể người hoặc linh trưởng.
Sự phân bố của các virus gây bệnh sốt xuất huyết
Nhìn chung, các virus gây bệnh sốt xuất huyết phân bố rải rác trên toàn cầu. Sự phân bố của chúng phụ thuộc vào sự phân bố của túc chủ trung gian. Do vậy, sự phát sinh dịch bệnh cũng được giới hạn ở những vùng nhất định, nơi mà túc chủ trung gian của những virus này sinh sống. Chẳng hạn như virus Hanta với túc chủ là loài gậm nhấm thường phân bố chủ yếu ở Nam và Bắc Mỹ. Virus Dengue ký sinh trên muỗi thường sống ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Virus Ebola, Marburg lại lưu hành chủ yếu ở một số vùng thuộc Châu Phi như Sudan, Cộng hòa Công Gô, Uganda, Zimbabwe, Kenia. Hiện nay, sự di chuyển của các động vật là túc chủ trung gian từ nơi này sang nơi khác đã làm virus không còn phân bố ở những vùng địa phương nhất định. Những trường hợp virus có thể lây nhiễm từ người sang người thì sự di cư, du lịch của người bệnh cũng sẽ phát tán rộng rãi virus đi khắp nơi.
Sự phát triển của ngành giao thông và du lịch hiện nay đã làm cho bệnh không còn giới hạn ở một vùng mà dần trở nên là mối đe dọa của sức khỏe do toàn thế giới.
Sự lây truyền của virus gây bệnh sốt xuất huyết
Virus sốt xuất huyết lây nhiễm sang người khi có sự tiếp xúc với túc chủ trung gian của chúng. Chẳng hạn như sự tiếp xúc với nước tiểu, phân, nước bọt, dịch cơ thể của các túc chủ là động vật gậm nhấm. Đối với các túc chủ trung gian là loài chân đốt như muỗi, ve, thì sự lây nhiễm thông qua các hoạt động chích, đốt. Một số túc chủ trung gian là động vật nuôi thì người có thể bị nhiễm khi họ chăm sóc hay giết mổ vật nuôi.
Các virus như Ebola, Marburg, Lassa, hay Crimean-Congo được ghi nhận là có khả năng lây truyền từ người sang người nên mức độ lây lan của các virus này rất cao. Chúng có thể lây truyền một cách dễ dàng thông qua sự tiếp xúc gần với người bệnh hay dịch cơ thể của người bệnh thậm chí là với các vật dụng của người bệnh.
2. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết do các virus này gây ra rất đa dạng. Trong đó, dấu hiệu và triệu chứng dễ thấy ban đầu là sốt, mệt mỏi, chóng mặt, đau cơ, mất sức mạnh và kiệt sức. Bệnh nhân nặng thường có dấu hiệu xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ quan nội tạng hay ở mắt, miệng, tai. Tình trạng nguy cấp có thể dẫn đến sốc, biến chứng não, hôn mê, mê sảng, và tử vong. Một số loại sốt xuất huyết còn có liên quan đến suy thận và suy phổi.
3. HƯỚNG ĐIỀU TRỊ:
Nhìn chung, bệnh do virus gây sốt xuất huyết cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Bệnh nhân phục hồi đa phần dựa vào sự miễn dịch của cơ thể. Các trường hợp nặng rất dễ dẫn đến tử vong.
4. PHÒNG BỆNH:
Vaccin cho bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa được chế tạo thành công (ngoại trừ bệnh sốt vàng da và sốt xuất huyết Argentina), nên việc phòng bệnh hiện nay vẫn là các nỗ lực phòng tránh tiếp xúc với loài vật chủ trung gian và ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người. Các biện pháp phòng chống cụ thể như:
- Kiểm soát số lượng loài gậm nhấm,
- Ngăn chặn loài gậm nhấm xâm nhập hay sinh sống trong nhà, nơi làm việc.
- Khuyến khích dọn dẹp sạch sẽ tổ và phân của loài gậm nhấm.
- Kiểm soát các vec-tơ côn trùng và động vật chân đốt.
Khuyến khích sử dụng thuốc diệt côn trùng, ngủ màn, treo màn cửa sổ, hay các biện pháp nhằm để tránh bị côn trùng chích đốt.
Đối với những virus sốt xuất huyết có thể lây truyền từ người sang người, cần tránh tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh và các chất dịch cơ thể của họ. Cách ly người bệnh và phải mặc quần áo bảo hộ nếu tiếp xúc với người bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc khử trùng và xử lý các dụng cụ và thiết bị đã được sử dụng trong điều trị chăm sóc bệnh nhân chẳng hạn như kim tiêm và nhiệt kế.
Kết hợp với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã ban hành tài liệu hướng dẫn có tiêu đề “kiểm soát nhiễm virus Sốt xuất huyết trong thiết bị chăm sóc y tế châu Phi” nhằm giúp các cơ sở chăm sóc sức khỏe phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu vẫn đang đối mặt với thử thách tìm cách điều trị và thuốc chủng ngừa cho bệnh sốt xuất huyết do các loại virus gây ra. Một mục tiêu khác được đặt ra là phát triển các công cụ phân tử để chẩn đoán bệnh nhanh hơn, và nghiên cứu các vấn đề về sinh bệnh học. Ngoài ra, mục tiêu thứ ba là phải tìm hiểu hệ sinh thái của các vật chủ trung gian để kiểm soát ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng do các túc chủ trung gian này.
- 20/03/2019 18:32 - Tình hình nhiễm lao hiện nay
- 20/03/2019 18:09 - Carbimazol hoặc thiamazol và nguy cơ viêm tụy cấp
- 10/03/2019 09:51 - Chăm sóc bệnh nhân sởi tại nhà
- 05/03/2019 20:22 - Cập nhật thông tin về các loài rắn độc ở Việt Nam
- 02/03/2019 08:43 - Cách xử trí trật khớp thái dương – hàm tại khoa Cấ…
- 23/02/2019 15:17 - Điều trị bằng siêu âm
- 23/02/2019 15:01 - Một số kiến thức cơ bản về bệnh sởi
- 20/02/2019 11:29 - Phục hồi chức năng bong gân
- 15/01/2019 19:32 - Điều kiện bảo quản thuốc, vắc xin, dược liệu, vị t…
- 13/01/2019 09:04 - Điều trị bằng corticosteroid cải thiện kết quả ở n…