Do những đặc tính sinh học tuyệt vời, các tế bào gốc (stem cell) đã được giới khoa học quan tâm nghiên cứu từ rất lâu. Khó khăn lớn nhất đối với họ là làm thế nào tạo ra các tế bào loại này với số lượng lớn. Hiện nay, các phương pháp tạo tế bào gốc chủ yếu là từ phôi người, tủy sống hoặc dây rốn. Mặc dù vậy do các rào cản về đạo đức, nguồn cung và giá thành cao nên việc đưa chúng vào điều trị y học vẫn chưa thể thực hiện rộng rãi được. Tuy nhiên, tình trạng trên có thể thay đổi khi các nhà nghiên cứu tại viện Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho biết họ đã thành công trong việc ứng dụng một phương pháp mới để chuyển hóa các tế bào máu thành tế bào gốc. Đây có thể là một tín hiệu vui cho rất nhiều bệnh nhân mắc những bệnh nan y như đau tim, tổn thương tủy sống và thậm chí nó mở ra viễn cảnh về một cuộc sống bất tử cho loài người.
Phương pháp tạo tế bào gốc ở Johns Hopkins Insitute mở ra cơ hội về cuộc sống trẻ mãi không già.
Tế bào gốc là gì và vì sao nó quan trọng?
Trước khi giới thiệu thí nghiệm của các nhà khoa học tại Johns Hopkins Insitute, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua một số khía cạnh liên quan tới tế bào gốc và tầm quan trọng của nó. Như các bạn đã biết, cơ thể người gồm rất nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận lại bao gồm các tập hợp tế bào có chức năng riêng biệt (được gọi là mô). Tuy nhiên, có một loại tế bào có thể phát triển thành các tế bào chuyên biệt khác nhau gọi là tế bào gốc. Các tế bào như vậy có đặc điểm là quá trình phân chia của chúng có thể tạo ra các phần tử sinh học tương tự hoặc các tế bào có chức năng chuyên môn hóa. Do đó, người ta hy vọng nó sẽ trở thành công cụ sửa chữa những hư hỏng tại các bộ phận trên cơ thể. Về lý thuyết, các tế bào gốc có thể phát triển thành các mô hoàn hảo và khỏe mạnh, nên chúng có thể dùng để chữa các bệnh như Alzheimer, tim mạch, tổn thương tủy sống, bỏng … Chúng cũng được các nhà nghiên cứu dược học quan tâm vì là đối tượng tiềm năng trong các thử nghiệm thuốc mới.
Khó khăn trong việc bào chế
Tiềm năng thì to lớn là vậy, nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào bào chế các tế bào gốc với số lượng lớn. Một trong những nguồn tuyệt vời nhất để sản xuất là từ các phôi đang phát triển. Đáng tiếc phương pháp này phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề về khía cạnh đạo đức vì bản thân các phôi là sản phẩm của quá trình thụ tinh cho trứng nên nó đã là một sinh linh được hình thành.
Các nhà khoa học cũng đã tìm cách tách trực tiếp tế bào gốc từ các mô của cơ thể trưởng thành như mô máu, tủy sống, mô thần kinh… Nhưng cách tiếp cận này cũng gặp phải nhiều trở ngại vì rất khó phát hiện các tế bào gốc khi số lượng rất ít của chúng bị trộn lẫn cùng hàng tỷ tế bào chuyên biệt ở các mô đã phát triển. Do đó việc nuôi tách sẽ tiêu tốn một kinh phí cực lớn và đợi đến khi thu được đủ số lượng cần thiết thì người bệnh đã không qua khỏi.
Một cách nữa là sử dụng các chủng virus đặc biệt để tác động và chuyển hóa các tế bào của cơ thể trưởng thành thành tế bào gốc. Thoạt nghe điều này có vẻ rất khả quan, nhưng trong đó tiềm ẩn nguy cơ đột biến gen khi tế bào bị virus tác động, và hậu quả cuối cùng thường dẫn tới các chứng bệnh ung thư.
Phương pháp gần đây nhất được áp dụng là tách các tế bào gốc từ dây rốn trẻ sơ sinh, bộ phận trước đó đóng vai trò quan trọng giúp truyền máu, oxy và dinh dưỡng từ người mẹ sang thai nhi. Tuy nhiên, nó đòi hỏi dây rốn người bệnh phải được lưu giữ ngay sau khi sinh và điều kiện đi kèm là khả năng tài chính rất lớn để quá trình duy trì, bảo quản chúng trong phòng chứa.
Thí nghiệm tại Johns Hopkins
Nhằm giải quyết các vấn đề trên, các nhà nghiên cứu tại Johns Hopkins đã phát triển một phương thức tạo tế bào gốc hoàn toàn khác biệt nhờ nguồn máu được rút ra trực tiếp từ cơ thể người bệnh. Hơn nũa phương pháp này ghi nhận một tỷ lệ cực cao trong quá trình thực hiện: 50 tới 60% các tế bào máu được chuyển hóa thành công.
Tác nhân quan trọng trong thí nghiệm của các nhà khoa học là một loại DNA (ADN) có tên gọi plasmid. Các plasmid thường xuất hiện ở các vi khuẩn và các tế bào có nhân hoàn chỉnh. Quá trình phân chia của chúng không bị giàn buộc bởi các DNA nhiễm sắc thể. Hơn nữa sau khi thực hiện chức năng của mình, plasmid sẽ bị hủy.
Trong thí nghiệm, đầu tiên nhóm nghiên cứu sử dụng các xung điện để tạo một lỗ nhỏ trên màng tế bào máu được tách ra từ cơ thể bệnh nhân bị tổn thương tủy. Tiếp theo họ đẩy các plasmid đính kèm 4 gen được lập trình sẵn qua các lỗ nhỏ đã tạo. Các gen trên plasmid sẽ tác động lên quá trình biến đổi sau này để chuyển các tế bào về dạng sơ khai (tế bào gốc). Khi plasmid hoàn thành nhiệm vụ của chúng, các nhà khoa học sẽ cấy các tế bào máu vào tế bào tủy xương đã được chiếu xạ rồi đưa vào lưu trữ. Sau 7 tới 14 ngày, quan sát mẫu thí nghiệm, họ thu được kết quả ngoài mong đợi khi các tế bào máu đã chuyển thành các tế bào gốc giống như ở các phôi.
Hiện quá trình kiểm tra phẩm chất của các tế bào được tạo ra vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, rõ ràng phương pháp mới đã mở ra khả năng to lớn trong việc sử dụng đế bào gốc để chữa trị cho bệnh nhân. Những người bị tổn thương tủy sống, thần kinh thị giác … có thể được cấy các bộ phận mới được tạo ra từ chính các tế bào trong cơ thể họ mà không lo ngại về những nguy cơ đột biến, biến chứng hoặc phản ứng đào thải của hệ miễn dịch. Thậm chí, nhiều người bắt đầu mơ về cuộc sống bất tử khi mà họ có thể thay thế các bộ phận bị lão hóa bằng cách mô trẻ với đầy đủ các chức năng sống. Còn với các bà và các chị, hẳn là họ cực kì hồ hởi khi đón nhận tin tức này, giờ đây họ có thể chuẩn bị cho việc không phải dành hàng giờ mỗi tuần tới thẩm mỹ viện để gìn giữ vẻ đẹp thanh xuân nữa.
- 24/09/2012 21:43 - Công nghệ xứ lý chất thải rắn y tế không đốt - Xu …
- 19/09/2012 14:27 - Chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai…
- 18/09/2012 07:56 - Phơi nhiễm chất thải y tế - nguy cơ và cách phòng …
- 12/09/2012 15:36 - Định lượng β HCG và progesterone trong thai ngoài …
- 10/09/2012 10:47 - Virus Rubella
- 24/08/2012 21:25 - Phục hồi chức năng bệnh Parkinson
- 08/08/2012 16:23 - Thực phẩm nguồn gốc động vật, thực vật
- 07/08/2012 09:37 - Bệnh gan do rượu
- 05/07/2012 19:11 - Các biến chứng nguy hiểm do viêm họng
- 05/07/2012 18:53 - Tìm hiểu về kháng nguyên CA 72-4 (Cancer Antigen 7…