Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh -
Tổng quan
Tiền sản giật là một biến chứng của thai kỳ. Với tiền sản giật, bạn có thể bị huyết áp cao, lượng protein trong nước tiểu cho thấy tổn thương thận (protein niệu) hoặc các dấu hiệu tổn thương cơ quan khác. Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần của thai kỳ ở những phụ nữ có huyết áp trước đó nằm trong giới hạn bình thường.
Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng - thậm chí gây tử vong - cho cả mẹ và con
Thời điểm dự sinh phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chứng tiền sản giật và bạn đang mang thai bao nhiêu tuần. Trước khi sinh, điều trị tiền sản giật bao gồm theo dõi cẩn thận và dùng thuốc để hạ huyết áp và quản lý các biến chứng.
Tiền sản giật có thể phát triển sau khi sinh được gọi là tiền sản giật sau sinh.
Triệu chứng
Đặc điểm nhận biết của TSG là huyết áp cao, protein niệu hoặc các dấu hiệu tổn thương thận hoặc các cơ quan khác. Bạn có thể không có triệu chứng đáng chú ý. Các dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật thường được phát hiện trong các lần khám thai định kỳ các Bác sĩ chuyên khoa. Cùng với huyết áp cao, các dấu hiệu và triệu chứng tiền sản giật có thể bao gồm:
- Protein trong nước tiểu (protein niệu) hoặc các dấu hiệu khác của các bệnh thận.
- Giảm mức độ tiểu cầu trong máu (giảm tiểu cầu)
- Tăng men gan cho thấy các vấn đề về gan
- Đau đầu dữ dội
- Thay đổi thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm ánh sáng
- Khó thở do tràn dịch phổi
- Đau bụng thượng vị, thường là dưới xương sườn bên phải.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tăng cân đột ngột hoặc xuất hiện phù - đặc biệt là ở mặt và tay - có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Khi nào đến bệnh viện
Nên khám thai định kỳ để được theo dõi huyết áp. Nhập viện nếu bạn bị đau đầu dữ dội, mờ mắt hoặc rối loạn thị giác khác, đau bụng dữ dội hoặc khó thở nghiêm trọng. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của mình, hãy liên hệ với bác sĩ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật có thể liên quan đến một số yếu tố. Các chuyên gia cho rằng nó xuất phát từ nhau thai - cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, các mạch máu mới phát triển và phát triển để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho nhau thai.
Ở phụ nữ bị tiền sản giật, các mạch máu này dường như không phát triển hoặc hoạt động bình thường. Các vấn đề về rối loạn tuần hoàn nhau thai có thể dẫn đến việc rối loạn điều hòa huyết áp ở người mẹ.
Các rối loạn huyết áp cao khác khi mang thai
Tiền sản giật là một trong những rối loạn huyết áp cao (tăng huyết áp) có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai. Các rối loạn khác cũng có thể xảy ra:
Tăng huyết áp thai kỳ là huyết áp cao bắt đầu sau 20 tuần mà không có vấn đề ở thận hoặc các cơ quan khác. Một số phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ có thể bị tiền sản giật.
Tăng huyết áp mãn tính là huyết áp cao có trước khi mang thai hoặc xảy ra trước 20 tuần của thai kỳ. Huyết áp cao tiếp tục kéo dài hơn ba tháng sau khi mang thai còn được gọi là cao huyết áp mãn tính.
Tăng huyết áp mãn tính kèm theo tiền sản giật chồng chất xảy ra ở những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp mãn tính trước khi mang thai, sau đó họ phát triển thành huyết áp cao và protein trong nước tiểu trở nên trầm trọng hơn hoặc các biến chứng sức khỏe khác trong thai kỳ.
Các yếu tố nguy cơ
Các tình trạng có liên quan đến nguy cơ cao bị tiền sản giật bao gồm:
- Tiền sản giật trong lần mang thai trước.
- Mang đa thai.
- Huyết áp cao mãn tính (tăng huyết áp).
- Bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 trước khi mang thai.
- Bệnh thận.
- Bệnh tự miễn.
- Sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Các tình trạng có liên quan đến nguy cơ phát triển tiền sản giật trung bình bao gồm:
- Mang thai lần đầu.
- Béo phì.
- Tiền sử gia đình bị tiền sản giật.
- Tuổi mẹ ≥ 35.
- Các biến chứng trong lần mang thai trước
- Sinh cách đây hơn 10 năm.
Các yếu tố nguy cơ khác
Một số nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ bị tiền sản giật ở phụ nữ da đen cao hơn so với những phụ nữ khác. Cũng có một số bằng chứng về sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ bản địa ở Bắc Mỹ. Nguy cơ lớn hơn có thể liên quan đến bất bình đẳng trong tiếp cận chăm sóc trước sinh và chăm sóc sức khỏe nói chung, cũng như bất bình đẳng xã hội và các tác nhân gây căng thẳng mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc.
Thu nhập thấp hơn cũng có liên quan đến nguy cơ TSG nhiều hơn do khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các biến chứng của tiền sản giật
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Tiền sản giật ảnh hưởng đến các mạch máu đến nhau thai. Nếu nhau thai không nhận đủ máu, thai nhi có thể nhận được không đủ máu và oxy cũng như ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng chậm được gọi là thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Sinh non. Tiền sản giật có thể dẫn đến sinh non ngoài kế hoạch - sinh trước 37 tuần. Ngoài ra, sinh non có kế hoạch là phương pháp điều trị chính cho chứng tiền sản giật. Trẻ sinh non tăng nguy cơ suy hô hấp và khó khăn về bú mẹ, các vấn đề về thị giác hoặc thính giác, chậm phát triển và bại não. Điều trị trước khi sinh non có thể làm giảm một số rủi ro.
Nhau bong non. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau bong non. Nếu bị nặng có thể bị chảy máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Hội chứng HELLP. HELLP là viết tắt của sự tan máu (sự phá hủy các tế bào hồng cầu), tăng men gan và số lượng tiểu cầu thấp. Dạng tiền sản giật nghiêm trọng này ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ quan. Hội chứng HELLP đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi, và nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe suốt đời cho người mẹ.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu, đau bụng trên bên phải và cảm giác ốm yếu hoặc không khỏe. Đôi khi, có thể đột ngột, ngay cả trước khi phát hiện huyết áp cao. Nó cũng có thể biểu hiện mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Sản giật. Sản giật là sự khởi đầu của các cơn co giật hoặc hôn mê với các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tiền sản giật. Rất khó dự đoán bệnh nhân bị tiền sản giật có bị sản giật hay không. Sản giật có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được quan sát trước đó của tiền sản giật.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện trước khi co giật bao gồm đau đầu dữ dội, các vấn đề về thị lực, rối loạn tâm thần hoặc thay đổi hành vi. Nhưng, thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo. Sản giật có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi sinh.
Tổn thương cơ quan khác. Tiền sản giật có thể dẫn đến tổn thương thận, gan, phổi, tim hoặc mắt và có thể gây đột quỵ hoặc chấn thương não khác. Mức độ tổn thương của các cơ quan khác phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
Bệnh tim mạch. Bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch) trong tương lai. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu bạn bị tiền sản giật nhiều hơn một lần hoặc bạn đã sinh non.
Dự phòng
Thuốc
Bằng chứng lâm sàng tốt nhất để phòng ngừa TSG là sử dụng aspirin liều thấp. Các BS chuyên khoa có thể khuyên bạn dùng một viên aspirin 81 mg mỗi ngày sau 12 tuần của thai kỳ nếu bạn có một yếu tố nguy cơ cao bị tiền sản giật hoặc nhiều hơn một yếu tố nguy cơ trung bình. Các BS sẽ siêu âm Doppler động mạc tử cung và phối hợp với chỉ số sinh hóa máu để tính ra chỉ số nguy cơ cho các bạn. Điều quan trọng là bạn phải được tư vấn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung nào để đảm bảo nó an toàn cho bạn.
Thay đổi lối sống
Trước khi mang thai, đặc biệt là nếu bạn đã từng bị tiền sản giật trước đó, bạn nên giữ gìn sức khỏe tốt nhất có thể. Bạn nên được theo dõi sát trong thai kỳ để tránh các biến chứng của tiền sản giật.
Nguồn:
- 24/05/2022 20:47 - Tiếp cận tình huống rối loạn chảy máu dành cho bác…
- 22/05/2022 14:49 - Tầm quan trọng của xét nghiệm D-dimer trong chẩn đ…
- 18/05/2022 21:02 - Sàng lọc ung thư biểu mô tế bào gan ở người lớn tu…
- 17/05/2022 20:07 - Ứng dụng siêu âm đàn hồi
- 16/05/2022 19:19 - Nốt phổi đơn độc: Hướng quản lý / theo dõi
- 08/05/2022 21:35 - Hồi sức mất máu lượng lớn
- 03/05/2022 20:47 - So sánh hiệu quả của Allopurinol và Febuxastat tr…
- 29/04/2022 21:30 - Đái tháo nhạt sau chấn thương sọ não
- 28/04/2022 08:59 - Theo dõi chống đông tại đơn vị Chăm sóc đặc biệt
- 27/04/2022 21:27 - Quản lý toan chuyển hóa trong ICU: natri bicarbona…