Bs Lê Văn Hiếu - Khoa Mắt
Hiện nay trên thế giới có khoảng 100 triệu người mắc bệnh Glôcôm, trong đó có tới 6,7 triệu người mù, 47% lượng người bệnh Glôcôm thuộc Châu Á, điều tra năm 2010 các nước Đông Nam Á có khoảng 4,2 triệu người bệnh Glôcôm và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 6 triệu vào năm 2020, còn tại Việt Nam hiện có xấp xỉ 25 ngàn người mù do bệnh lý này. Glôcôm đang là nguyên nhân gây mù thứ 2 ở cả Việt Nam và trên toàn thế giới chỉ đứng sau bệnh Đục thể thủy tinh.
Tuy nhiên đó chỉ là con số bề nổi, còn rất nhiều người mang bệnh mà chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Vậy Glôcôm là bệnh gì? Có chữa khỏi được không?
Glôcôm – trong dân gian còn gọi là bệnh Cườm nước hay Thiên đầu thống là một tình trạng bệnh lý của thần kinh thị giác, đặc trưng bởi sự chết của tế bào hạch võng mạc.
Thuật ngữ Glôcôm dùng để chỉ một nhóm bệnh có những đặc điểm chung, đó là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, biểu hiện lõm và teo thần kinh thị giác kèm tổn hại thị trường.
Tổn hại thần kinh thị giác và thị trường phụ thuộc vào nhãn áp và sức chịu đựng của các sợi trục thần kinh. Những tổn hại của thị trường và thần kinh thị giác thường do nhãn áp cao, tuy nhiên trong một số trường hợp nhãn áp lại ở mức bình thường hoặc nhãn áp thấp (glôcôm nhãn áp bình thường hay glôcôm nhãn áp thấp). Mặc dù vậy, trong mọi trường hợp nhãn áp đều cao hơn mức cho phép để các sợi trục thị thần kinh hoạt động bình thường.
Những tổn thương do Glôcôm gây ra không có khả năng hồi phục, do đó việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng. Việc này nhằm phòng ngừa sự tiến triển của bệnh chứ không có tác dụng chữa khỏi bệnh.
Phát hiện và chẩn đoán bệnh Glôcôm vẫn dựa chủ yếu vào thăm khám lâm sàng nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện nay, chúng ta có thể phát hiện sớm những tổn thương mà chỉ dựa vào thăm khám lâm sàng không phát hiện ra được.
Triệu chứng thường gặp:
- Nhìn mờ, đau nhức mắt, đỏ mắt, kèm chảy nước mắt
- Đau đầu, đau nữa bên đầu, đau âm ỉ hay đau từng cơn có thể kèm theo nôn hay buồn nôn
- Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, sợ ánh sáng
- Thích nghi sáng tối kém, nhìn theo vật di động khó
- Tầm nhìn ngoại vi thu hẹp, giai đoạn nặng chỉ còn thị trường hình ống.
Đối tượng nào dễ mắc Glôcôm:
- Người trên 40 tuổi
- Chủng tộc: Người da đen và da trắng hay bị Glôcôm góc mở, trong khi Glôcôm góc đóng thường găp hơn ở người da vàng.
- Có cấu trúc giải phẫu thuận lợi như viễn thị cao, góc tiền phòng hẹp
- Tiền sử gia đình có người bị Glôcôm
- Tiền sử chấn thương mắt, phẫu thuật, laser hay dùng thuốc corticosteroid tra mắt kéo dài.
Liệu người bệnh có biết được mình bị Glôcôm không?
Câu trả lời là không , nhưng bạn có thể giúp chính bạn và bác sĩ bằng cách tới khám kịp thời khi có các biểu hiện bất thường ở mắt.
Glôcôm có hai dạng lâm sàng chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Glôcôm góc đóng cấp tính thường biểu hiện rầm rộ và đột ngột như đau nhức mắt và đau nữa đầu cùng bên, buồn nôn, nôn, nhìn mờ, đỏ mắt nhưng Glôcôm góc đóng mãn tính thì tiến triển âm thầm, lặng lẽ tương tự Glôcôm góc mở: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ nhận ra khi đã nhìn mờ nhiều hoặc thị t rường đã bị tổn hại nặng.
Xin nhắc lại là Glôcôm là bệnh lý dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn không thể phục hồi nếu không được điều trị kịp thời, do vậy nếu bạn thuộc yếu tố nguy cơ thì nên tới khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, các Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ tiến hành thăm khám như đo thị lực, thử kính, đo nhãn áp, soi đáy mắt làm thị trường để đánh giá thần kinh thị giác.
Nguyên tắc điều trị:
Bệnh không thể chữa khỏi nhưng trong nhiều trường hợp Glôcôm có thể ngăn chặn và khống chế thành công. Tùy thuộc vào dạng Glôcôm mà bạn mắc phải mà các bác sĩ có những phương pháp điều trị khác nhau như dùng thuốc hạ nhãn áp, laser, phẫu thuật hay phối hợp nhiều phương pháp cùng lúc.
Mục đích của điều trị là duy trì chức năng thị giác cho bệnh nhân được ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Để đạt được mục đích trên cần tuân thủ nguyên tắc:
Hạ nhãn áp về mức an toàn: Cho đến thời điểm hiện nay hạ nhãn áp vẫn là biện pháp được tin cậy nhất trong điều trị glôcôm.
Dùng thuốc ở liều thấp nhất có thể: các thuốc hạ nhãn áp đều có tác dụng phụ tại chổ và toàn thân, nên nhất thiết phải dò liều thấp nhất mà vẫn đảm bảo được nhãn áp đích.
Điều trị đúng nguyên nhân: Xác định đúng cơ chế gây bệnh trên mỗi bệnh nhân để có biện pháp điều trị thích hợp.
Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất: Điều trị có thể dùng thuốc, laser, hay phẫu thuật.
Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ: Bệnh Glôcôm vẫn có thể tiến triển cả khi được điều trị do đó cần lập hồ sơ theo dõi suốt đời
Tiến triển và phòng ngừa của bệnh Glôcôm:
Bệnh Glôcôm có thể tiến triển dẫn tới mù lòa nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên hầu hết các yếu tố nguy cơ của Glôcôm không thể phòng ngừa được, lời khuyên là bạn nên thường xuyên giữ gìn sức khỏe cho đôi mắt.
- Nếu có tiền sử gia đình về bệnh Glôcôm thì nên kiểm tra mắt định kỳ khi bạn hơn 20 tuổi
- Nếu bạn trên 60 tuổi thì nên khám mắt thường xuyên dù có tiền sử gia đình hay không.
Glôcôm góc mở: không thể phòng ngừa nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn được tiến triển của bệnh
Glôcôm góc đóng: có khả năng phòng ngừa, trong giai đoạn đầu khi chưa có tổn hại thị trường và thị thần kinh có thể phòng ngừa bằng cách cắt mống mắt chu biên với tia laser.
Đối với bệnh nhân Glôcôm phải tuân thủ điều trị đúng và nghiêm túc, điều này sẽ giúp bệnh ổn định dù rằng bệnh sẽ theo ta suốt đời. Nếu không tuân thủ điều trị bệnh sẽ tiến triển nặng dần lên, và cần nhắc lại là những tổn hại do bệnh gây ra là không phục hồi lại được.
Điều trị Glôcôm là một quá trình lâu dài cần có sự phối hợp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Việc điều trị không thể đạt kết quả như ý nếu bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc và kiểm tra định kỳ theo hẹn. Do vậy, bạn tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc ở ngoài mà nên thu xếp tới tái khám đúng hẹn.
- 24/06/2017 21:34 - Hưởng ứng ngày Asean phòng chống sốt xuất huyết 15…
- 23/06/2017 03:17 - Điện năng lượng mặt trời-Giải pháp năng lượng cho …
- 21/06/2017 10:25 - Một số điều cần biết về bệnh cúm A (H7N9)
- 30/04/2017 07:11 - Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm
- 30/04/2017 07:04 - Một số đường đưa thuốc thường dùng cho trẻ em
- 26/04/2017 17:11 - Hạ sốt bằng acetaminophen không làm giảm số ngày đ…
- 26/04/2017 16:49 - Ngày hen thế giới
- 24/04/2017 15:57 - Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2017: Hãy c…
- 24/04/2017 15:46 - Vitamin - sử dụng và nguy cơ
- 24/04/2017 15:05 - Kỹ thuật cắt bột sửa trục