Long Cảnh - Trung tâm Truyền thông GDSK Quảng Nam
Trước đây, nhiều bậc cha mẹ thường chỉ dạy con những mối nguy hiểm như ở nhà không sờ tay vào ổ điện, ra đường cần dừng đèn đỏ, quan sát khi sang đường,... nhưng chẳng mấy ai chú tâm cách dạy con tự bảo vệ bản thân trước nạn xâm hại tình dục (XHTD) cho đến khi chúng đã lớn. Thời gian gần đây, những vụ việc xâm hại trẻ liên tục được các phương tiện truyền thông đưa tin cho thấy một thực trạng đáng báo động của trẻ, khiến các bậc cha mẹ cũng như dư luận xã hội bức xúc, lo lắng, tìm giải pháp để phòng ngừa, dạy bảo cho con. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2016 có tới 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng nhiều so với 5 năm từ 2012 - 2016 có 5.300 vụ.
XHTD là hiện tưởng trẻ bị lạm dụng vào một hoạt động tình dục nào đó, xảy ra ở mọi lứa tuổi của trẻ, mọi cộng đồng từ nông thôn đến thành thị và ở cả trẻ trai lẫn trẻ gái. Theo thống kê của các chuyên gia giáo dục về an toàn thân thể cho trẻ em ở cả gia đình lẫn trường học trên thế giới cho thấy: Khoảng 20% bé gái và 8% bé trai bị XHTD trước 18 tuổi. 95% những trẻ bị XHTD là nạn nhân của một người chúng biết và tin tưởng. Trong số những kẻ XHTD trẻ em dưới 6 tuổi thì 50% đối tượng là các thành viên trong gia đình. 84% các vụ việc trẻ em dưới 12 tuổi bị XHTD xảy ra tại nơi ở. Đáng chú ý là những trẻ được nhận làm con nuôi, trẻ em sống cùng cha/mẹ có bạn tình trong nhà có nguy cơ bị XHTD rất cao từ 10-20 lần so với trẻ sống cùng cha mẹ ruột. Nam giới chiếm 90% trong số các đối tượng gây ra những vụ XHTD.
Không ngoại lệ, thông tin từ rất nhiều vụ XHTD gần đây ở nước ta cho thấy rất nhiều đứa trẻ bị XHTD đều sống ở những khu phố có tình hình an ninh ổn định. Kể cả gia đình có nền tảng giáo dục tốt, học ở các ngôi trường tốt. Chúng bị xâm hại trong thời gian vui chơi, giờ nghỉ ngơi, ngay sân sau nhà, bên nhà hàng xóm, trên đường đi học về,... Đáng buồn là phần lớn các trường hợp trẻ bị chính người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại.
Những trẻ bị XHTD thường không những bị tổn thương về thể xác, thậm chí bị giết hại, mà những tổn thương về tâm lý là vô cùng nặng nề. Có nhiều em trở nên sợ hãi, mặc cảm, xấu hổ, nhiều khi dẫn đến tự sát. Về lâu dài các em ngại giao tiếp, rối loạn hành vi hay trở thành kẻ nổi loạn hoặc trầm cảm. Khi trưởng thành, có em mất niềm tin vào người lớn, sa vào cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm,... Có em trở thành người có cái nhìn lệch lạc về tình dục, gặp khó khăn trong đời sống vợ chồng,...
Để ngăn ngừa nạn XHTD và những hậu quả nạng nề của nó, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để phòng, chống có hiệu quả, vấn đề này đang chờ sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể đặc biệt là các cơ quan luật pháp. Trước mắt gia đình cần tự trang bị các kiến thức cho con trẻ cũng như dạy các cháu một số kỹ năng cơ bản để phòng, chống bị xâm hại. Cần giúp các em tiếp cận được vấn đề đồng thời đi sâu giáo dục giới tính, kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng phát hiện người xấu, người tốt, người lạ,... để các em tránh và phòng ngừa nếu không may gặp phải, các nội dung có thể dạy trẻ tùy theo từng lứa tuổi như sau:
- Trước tiên cần dạy trẻ biết nam và nữ là 2 giới tính khác nhau có các đặc điểm, sinh hoạt riêng biệt và dạy trẻ biết những vùng nhạy cảm trên cơ thể, theo đó bé cũng cần biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé.
- Tiếp theo nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, không cho người bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve kể cả bố mẹ (nếu là giúp trẻ vệ sinh cũng phải được đồng ý của trẻ). Trẻ phải biết cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể, đồng thời trẻ cũng phải biết không được động chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò, để ý về cơ thể người khác để tránh bị dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.
- Trẻ cần tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai gặp trên đường nếu không có cha mẹ đi cùng. Đồng thời, phải cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.
- Khi trẻ ở nhà một mình, không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà, dạy trẻ không đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.
- Quan trọng nhất là dạy trẻ nếu có trường hợp trẻ không may bị tấn công thì nên dạy cho trẻ kỹ năng chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác. Mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy, cần dạy trẻ biết tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh.
- Ngoài ra, nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, người thân, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Không cần sợ hải mà phải thông báo ngay cho cha mẹ và người thân biết khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc có hành vi bất thường với bé đồng thời bé phải tránh xa những người có những hành vi đụng chạm với bé.
Không chủ quan, theo dõi sát và dạy những kỹ năng cho trẻ ngay từ bây giờ. Đó là cách tốt nhất để chúng ta phòng chống bạo lực, XHTD đối với trẻ em trong lúc này.
- 26/04/2017 17:11 - Hạ sốt bằng acetaminophen không làm giảm số ngày đ…
- 26/04/2017 16:49 - Ngày hen thế giới
- 24/04/2017 15:57 - Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2017: Hãy c…
- 24/04/2017 15:46 - Vitamin - sử dụng và nguy cơ
- 24/04/2017 15:05 - Kỹ thuật cắt bột sửa trục
- 13/04/2017 19:54 - Tự tử bằng thuốc bảo vệ thực vật: nguyên nhân, thự…
- 09/04/2017 16:28 - Phục hồi chức năng cho người bệnh trật khớp vai
- 07/04/2017 06:09 - Hưởng ứng ngày toàn dân hiến máu nhân đạo 07/04
- 02/04/2017 09:20 - Những điều cần làm ngay khi tiếp nhận nạn nhân đuố…
- 29/03/2017 10:30 - Chấn thương sọ não và huyết áp – một sự chuyển đổi…