Bs CK2 Nguyễn Thị Kiều Trinh-Khoa Phụ sản
Khoa Sản có nhận văn bản của Bộ y tế về việc khuyến cáo không gây tê tuỷ sống (GTTS) trong mổ lấy thai các trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, bán trung tâm, nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... vì có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như thuyên tắc mạch, ngưng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Bấy lâu nay, êkip gây mê tại Khoa Phẫu thuật gây mê tại bệnh viện cũng thực hiện gây mê nội khí quản một số bệnh lý tim mạch hoặc các bệnh đã kể như trên hoặc cần phải lấy thai nhanh như sa dây rau... Còn lại, đa số phương pháp vô cảm là gây tê tuỷ sống trong mổ lấy thai.
Vậy mà mấy ngày qua, tít bài báo: BỘ Y TẾ CẤM GÂY TÊ TUỶ SỐNG TRONG MỔ LẤY THAI xuất hiện rất nhiều trên các trang báo mạng và thông tin này được share rất nhiều trên Facebook.
Các bác sĩ sản khoa như mình đâm lo vì các thông tin như vậy gây ra rất nhiều hoang mang cho các thai phụ và người nhà. Bởi lẽ họ chỉ đọc đầu đề mà không hiểu rõ thông tin bên trong chỉ nói về một số bệnh cảnh lâm sàng cần chống chỉ định trong gây tê tuỷ sống. Phương pháp vô cảm cho sản phụ thích hợp cho mổ lấy thai phụ thuộc vào mẹ, thai nhi và các yếu tố sản khoa.
Trong thực hành hiện nay, gây tê trục thần kinh bao gồm gây tê tuỷ sống và gây tê ngoài màng cứng là phương pháp chọn lựa có xu hướng ngày càng tăng ở các nước Mỹ, Anh và các nước phát triển từ năm 2001 trở lại đây. Hội Gây mê hồi sức Việt Nam cũng xem đây là một phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai nếu không có các bệnh lý đặc biệt.
Gây mê toàn thân được sử dụng trong trường hợp chống chỉ định gây tê trục thần kinh vì lý do bệnh lý, các bệnh như đã nêu trên hay thời gian không cho phép. Nếu kiểm soát huyết áp tốt thì GTTS trong mổ lấy thai đem lại thuận lợi cho các sản phụ nhiều hơn so với gây mê toàn thân ở chỗ sản phụ tỉnh táo, nhận thức về đau rõ hơn, ói mửa nhiều hơn trong gây mê toàn thân nhưng tình trạng mất máu do tử cung gò kém ít hơn, tình trạng tiêu hoá ổn định, ho, sốt, suy hô hấp ít hơn, sản phụ tiết sữa nhanh hơn, là yếu tố thuận lợi cho phương pháp da kề da cũng như các sản phụ vận động sớm hơn trong thời gian hậu phẫu. Bất cứ một phương pháp nào cũng có tác dụng ngoại ý, tuy nhiên nếu kiểm soát tốt thì gây tê tuỷ sống vẫn là phương pháp an toàn trong vô cảm khi mổ lấy thai. Tuy nhiên cần phải tôn trọng các chống chỉ định để không xảy ra tai biến cho sản phụ.
Rất mong các sản phụ và người nhà an tâm khi được bác sĩ tư vấn về chọn lựa phương pháp vô cảm dựa trên bệnh sử của mẹ, thai và các yếu tố sản khoa hay bệnh lý đi kèm. Hy vọng các chuyên gia gây mê hồi sức có ý kiến phản hồi về gây tê tuỷ sống trong mổ lấy thai để mọi người an tâm phối hợp với bác sĩ sản khoa và êkip gây mê nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
(Trích bài viết của Bs Kiều Trinh trên báo Sức khỏe đời sống-Cơ quan ngôn luận của Bộ y tế)
- 28/07/2017 03:45 - Tổng quan hội chứng ruột kích thích-IBS(Irritable …
- 28/07/2017 03:36 - Rối loạn phát triển khớp háng
- 23/07/2017 11:02 - Viêm âm đạo do nấm: Bệnh cũ với những thách thức m…
- 13/07/2017 20:19 - Gây mê hồi sức cho phẫu thuật ở người cao tuổi(Phầ…
- 13/07/2017 18:37 - Cập nhật về nhau cài răng lược và xuất huyết sản k…
- 07/07/2017 10:22 - Phối hợp kháng sinh-Vũ khí mới trong điều trị vi k…
- 29/06/2017 09:25 - Bệnh sốt mò
- 29/06/2017 09:12 - Phục hồi chức năng cho bệnh nhân vẹo cột sống
- 29/06/2017 08:53 - Tật chớp mắt giúp cải thiện khô mắt do tăng thoát …
- 26/06/2017 09:16 - Đọc phim Xquang cổ tay đơn giản