Ds Nguyễn Văn Ngọc
Theo quan điểm của người dân cho rằng: “Thuốc đông y là thứ thuốc an toàn tuyệt đối”. Có thể nói, quan niệm sai lầm này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng ngộ độc trong việc sử dụng thuốc đông y.
Trong thời gian gần đây, những trường hợp tai biến do sử dụng thuốc đông y đang có xu hướng tăng thậm chí có những trường hợp tử vong do sử dụng thuốc đông y gây ra. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc đông y cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, cần phải coi trọng độc tính của thuốc “thị dược tam phân độc” đã là thuốc ắt có phần độc. Cho nên, trong Thần nông bản thảo kinh đã chia dược liệu làm 3 loại: thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm. trong đó những thuốc trong loại hạ phẩm phần lớn là có độc tính cao, không nên uống lâu (đa độc, bất khả cửu phục). thậm chí một số loại thuốc bổ như: nhân sâm, hoài sơn, cam thảo… tuy bản chất không chứa chất độc, từng được Thần nông bản thảo kinh suy tôn là thượng phẩm, nhưng nếu sử dụng không chính xác, vẫn có thể dẫn đến trúng độc, thậm chí chết người ví dụ: nếu đau bụng mà uống nhân sâm thì tắc tử.
Vì vậy, nếu sử dụng thuốc đông y không đúng cách thì sẽ gây ra nguy hiểm rất lớn. Nhưng nếu biết cách sử dụng, bào chế theo quy cách của từng bài thuốc thì những cây thuốc có chứa độc tính cũng bị loại bỏ mà hiệu quả sử dụng cũng được nâng cao.
Thứ hai, không tuân theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trúng độc thuốc đông y. như ta được biết, trước khi kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh, thầy thuốc phải “vọng, văn, vấn, thiết” để xác định “biểu – lí”, “hàn – nhiệt:”, “hư – thực”… sau đó mới có thể lập pháp dụng phương. Ví dụ: vị thuốc hoàng kỳ là vị thuốc bổ khí quan trọng trong đông y, có tác dụng rất tốt trong điều trị phù thũng do viêm thận mãn tính dạng tì hư, nhưng nếu dùng hoàng kỳ trong viêm thận thể “âm hư nhiệt thịnh” thì sẽ làm bệnh thêm trầm trọng.
Thứ ba, lẫn lộn khái niệm giữa đông y và tây y. Tây y và đông y có một số khái niệm cùng tên, nhưng nội dung lại không giống nhau. Nguy cơ do sử dụng nhầm lẫn thuốc đang gia tăng một cách đáng lo ngại khi ngày càng có rất nhiều loại thuốc trên thị trường, mà mỗi loại có một hoặc nhiều tên thương mại khác nhau. Ví dụ, trong tây y “thận” là một cơ quan cụ thể (hai quả thận), còn trong đông y “thận” là một nhóm chức năng như: tiết niệu, sinh dục, nội tiết…vì vậy, thuốc bổ thận của đông y thường không thể sử dụng trong điều trị viêm thận tây y.
Thứ tư, phối hợp thuốc với nhau không thích đáng. Nhiều loại thuốc khi sử dụng kết hợp với nhau hoặc khi dùng chung với thức ăn hoặc đồ uống (rượu) có thể gây ra các tác dụng khác khi dùng riêng lẻ.
Trên lâm sàng, đông y ít khi dùng đơn độc, các đơn thuốc thường là những tổ hợp của nhiều vị thuốc. các vị thuốc trong đơn thuốc được phối hợp với nhau theo phép tắc “phối ngũ”. Nếu các vị thuốc phối hợp với nhau không đúng với phép tắc này có thể sinh ra tác dụng phụ hoặc ngộ độc, đông y gọi là hiện tượng tương phản. ví dụ, khi sử dụng tế tân cùng với lê lô có thể dẫn đến trúng độc. Cũng có những trường hợp có thể triệt hạ tác dụng hoặc giảm bớt tác dụng của các vị thuốc dùng chung với nhau trong đông y gọi là tương ố (ghét nhau) ví dụ: khi sử dụng nhân sâm với hạt củ cải thì tác dụng bổ của nhân sâm sẽ giảm bớt.
Thứ năm, không có bệnh dùng thuốc quá lâu. Thuốc đông y cũng có những độc chất. Vì vậy, phải thật cẩn thận khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng lâu dài, trong khi chưa biết toa thuốc đó có độc chất hay không. Hiện nay trong nhân dân có quan niệm thuốc đông y là thuốc không độc hoặc ít độc hơn thuốc tây y, chính vì quan điểm này dẫn đến việc lạm dụng, sử dụng bừa bãi, cứ uống nhiều thuốc đông y vào “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” là điều hết sức nguy hại ví dụ: một số vị thuốc có độc tính cao: Á phiện, phụ tử, mã tiền, cà độc dược… nếu dùng quá liều có thể gây độc cho cơ thể thậm chí gây tử vong.
Thứ sáu, sử dụng không đúng chỉ định và quá liều. Nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định không những không có tác dụng chữa bệnh mà gây ra những tác dụng có hại khó lường. Hiện nay, có rất nhiều người sử dụng thuốc đông y không có chỉ định, nhiều người vẫn nghỉ uống thuốc đông y hoàn toàn không có hại và sử dụng như thuốc bổ mà không cần biết hiểm họa đến với mình lúc nào. Ví dụ,vụ ngộ độc mật cá trắm. Mật cá trắm là vị thuốc được sử dụng lâu đời trong đông y nhưng chỉ dùng bên ngoài. Khi dùng uống trong phải qua bào chế, thường phối hợp với những vị thuốc khác và chỉ dùng với liều rất nhỏ.
Nguyên tắc cuối cùng: không nắm vững dạng thuốc và cách sắc thuốc. Trong đông y có nhiều dạng thuốc, thuốc thang thường dùng chữa bệnh cấp tính, thuốc hoàn thường chữa bệnh mạn tính, có loại dược liệu cần ép lấy nước tươi mới phát huy tác dụng, có loại cần đun kỹ với nước rồi mới uống. Có những vị thuốc cần sắc kỹ để trừ khử một số chất độc, ví dụ: aconitine là một chất cực độc có trong phụ tử, tuy nhiên sau khi đun 3 – 4h chất độc bị phá hủy hoàn toàn. Vì vầy đối với các thang thuốc có phụ tử cần lấy riêng phụ tử ra sắc trước, sắc thật kỹ mới cho các vị thuốc khác vào sắc chung.
Trên đây là những nguyên tắc cơ bản cần chú ý khi sử dụng thuốc đông y để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, ít tác dụng không mong muốn gây ra.
- 08/10/2016 07:48 - Chở che!
- 06/10/2016 19:06 - Laser nội mạch điều trị suy dãn tĩnh mạch 2 chi dư…
- 06/10/2016 18:49 - Lọc máu liên tục trong ong đốt suy đa cơ quan
- 02/10/2016 15:51 - Dịch lý trong dược lý y học cổ truyền
- 30/09/2016 13:05 - Troponin (cardiac troponin)
- 29/09/2016 14:01 - Insulin
- 29/09/2016 13:52 - Vài điều về sonde JJ
- 29/09/2016 13:20 - Bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới
- 28/09/2016 17:37 - Kháng nguyên ung thư CA 125
- 26/09/2016 17:10 - Hút thuốc lá làm giảm thời gian sống còn ở bệnh nh…