1. Chụp động mạch vành để làm gì?
- Động mạch vành là các động mạch tưới máu cho cơ tim để tim co bóp đưa máu đi nuôi cơ thể. Tổn thương động mạch vành làm rối loạn sự cung cấp máu nuôi cơ tim dẫn đến tổn thương cơ tim mà nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim, đột tử.
- Chụp động mạch vành là tạo hình ảnh các động mạch vành của tim bằng thuốc cản quang dưới tia XQuang. Dựa vào hình ảnh thu được, Bác sỹ sẽ chẩn đoán bệnh nhân có bị tổn thương động mạch vành hay không, mức độ tổn thương và phương án điều trị như thế nào.
- Nếu Bác sỹ nghi ngờ có tổn thương động mạch vành sẽ chỉ định chụp động mạch vành cho bệnh nhân. Tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bệnh nhân và gia đình.
2. Chụp động mạch vành được tiến hành như thế nào?
- Tại phòng Can thiệp tim mạch, bệnh nhân được gắn một số thiết bị như điện tim, huyết áp, kẹp đo oxy…, bệnh nhân được lập 01 đường truyền (thường bên tay trái) để dùng thuốc khi cần thiết. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được dùng thuốc để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng nếu cần.
- Bác sỹ gây tê cho bệnh nhân sau đó chọc kim nhỏ vào động mạch tại cổ tay hoặc bẹn, bệnh nhân có thể sẽ có cảm giác đau nhẹ tại vị trí chọc kim. Một dây dẫn nhỏ sẽ dẫn một ống thông dài khoảng 1 mét từ động mạch vừa chọc kim đến tim của bệnh nhân.
- Bác sỹ thực hiện thủ thuật sẽ lái ống thông này vào các lỗ động mạch vành trong tim, một lượng nhỏ thuốc cản quang (gốc iode hữu cơ) được bơm vào từng động mạch vành đồng thời cho máy XQuang hoạt động để ghi lại hình ảnh của các động mạch vành.
- Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, hầu như không có cảm giác đau đớn gì, một số trường hợp có thể đau nhẹ tại vị trí chọc kim ban đầu.
- Khi đã chụp hình xong các động mạch vành, Bác sỹ sẽ rút tất cả các ống thông ra khỏi người bệnh nhân, nhân viên phòng Can thiệp sẽ dùng một gói bông nhỏ ép vào vị trí cổ tay hoặc bẹn và cố định trong vòng 4-6giờ. Nếu đường vào động mạch từ ở cổ tay, bệnh nhân có thể đi lại bình thường ngay sau khi chụp động mạch vành. Trong đa số trường hợp, bệnh nhân được xuất viện ngày hôm sau.
3. Chuẩn bị gì trước khi chụp động mạch vành?- Bệnh nhân được nhập viện trước 1 ngày để làm các xét nghiệm cần thiết như: công thức máu, máu chảy-máu đông, nhóm máu, chức năng thận, đường máu, ion đồ, Xquang tim-phổi, siêu âm tim, điện tâm đồ…
- Giấy tờ cần mang theo: Sổ theo dõi khám chữa bệnh, giấy ra viện, hồ sơ bệnh tim mạch trước đó nếu có, thẻ BHYT, CMND hoặc giấy tờ tương đương, giấy chuyển viện nếu bệnh nhân không khám đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
- Bệnh nhân sẽ được dùng một số loại thuốc cần thiết cũng như phải dừng một số loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng trước khi được chụp động mạch vành để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
- Giải thích và cam đoan chụp động mạch vành: Bác sĩ giải thích những lợi ích và sự cần thiết phải chụp động mạch vành, biến chứng và nguy cơ có thể gặp, những cảm giác khó chịu trong quá trình thủ thuật để bệnh nhân và thân nhân biết trước khi ký vào giấy cam đoan chụp động mạch vành. Bệnh nhân phải đi cùng với một người nhà có quyền quyết định nhất để ký giấy cam đoan này vì đây là một văn bản có giá trị pháp lý giữa Bác sỹ và bệnh nhân cũng như giữa Bệnh viện và gia đình bệnh nhân.
- Bệnh nhân cần phải nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước thủ thuật, tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng, vệ sinh vùng bẹn và vùng cổ tay 2 bên trước khi được chuyển lên phòng mổ.
4. Biến cố nào có thể gặp trong chụp động mạch vành?Cũng như các thủ thuật xâm nhập khác, chụp động mạch vành cũng có những biến chứng nhất định, tuy nhiên biến chứng cũng không nhiều và lợi ích của chụp động mạch vành là rất lớn so với nguy cơ của nó. Êkip Bác sỹ chụp động mạch vành luôn cố gắng hạn chế những biến chứng và nếu có xảy ra thì luôn sẵn sàng xử trí cấp cứu.
Những biến cố có thể gặp:
- Bầm tụ máu, chảy máu, nhiễm trùng tại chổ chọc kim.
- Dị ứng với chất cản quang: Từ nhẹ là nổi mẩn ngứa, phản ứng sốt cho đến nặng là sốc với tụt huyết áp trầm trọng. Bác sỹ luôn sẵn sàng xử trí, tuy nhiên bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ tiền sử dị ứng thuốc để hạn chế biến chứng này.
- Tắc nghẽn hay vỡ động mạch vành: Hiếm gặp, có thể phẫu thuật tim để xử trí biến chứng này.
- Nhồi máu cơ tim, co thắt động mạch vành, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não…
- Suy thận cấp do thuốc cản quang: thường ít gặp với lượng thuốc cản quang dùng để chụp động mạch vành.
5. Kết quả chụp động mạch vành như thế nào?Kết quả chụp động mạch vành có thể gặp 3 khả năng sau:
- Khả năng thứ nhất: Động mạch vành không bị tổn thương hoặc tổn thương không cần phải can thiệp. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được cho ra viện ngày hôm sau để điều trị ngoại trú.
- Khả năng thứ hai: Động mạch vành bị tổn thương quá nặng, kéo dài hoặc tổn thương nhiều vị trí ngoài khả năng can thiệp qua da hoặc can thiệp có thể không mang lại kết quả tốt hơn các phương pháp khác. Bệnh nhân được điều trị nội khoa ổn định sau đó được chuyển tuyến trên để phẫu thuật nếu có chỉ định.
- Khả năng thứ ba: Động mạch vành bị tổn thương có chỉ định can thiệp qua da thì tùy vào mức độ tổn thương, Bác sỹ sẽ giải thích với bệnh nhân và thân nhân về kế hoạch can thiệp, khả năng tiêu tốn tài chính để gia đình chuẩn bị, nếu thống nhất thì Bác sỹ sẽ lên lịch can thiệp cho bệnh nhân.
ThS.BS Nguyễn Lương Quang - Đơn vị Can thiệp Tim mạch
Nếu quý vị cần thêm bất kỳ thông tin nào xin vui lòng liên hệ:
Phòng khám Nội Tim Mạch- BV ĐK Quảng Nam- 01 Nguyễn Du Tam Kỳ.
Quý vị cần xem lại và in nội dung trên xin tải về
- 27/09/2013 09:49 - Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng
- 26/09/2013 14:08 - VA và điều trị
- 18/09/2013 14:52 - Những điều cần biết về can thiệp động mạch vành
- 07/09/2013 10:09 - Tiệt trùng, khử trùng
- 07/09/2013 09:32 - Qui trình xét nghiệm mô bệnh học
- 08/08/2013 16:56 - Kiểm soát lây nhiễm lao tại các cơ sở y tế
- 01/08/2013 14:42 - Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ng…
- 31/07/2013 20:19 - Tư thế bệnh nhân trong gây mê phẫu thuật và biến c…
- 27/07/2013 18:22 - Tuyển lãnh đạo, tránh tình trạng ‘sống lâu lên lão…
- 27/07/2013 09:47 - Tầm soát mắt ở bệnh nhân Đái tháo đường type 2