CN Trương Thị Cẩm Huyến - Khoa Khám bệnh
Tăng huyết áp là một trong những đặc trưng của mô hình bệnh tật thế kỷ 21. Số người mắc bệnh gia tăng tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế và tuổi thọ của con người. Tăng huyết áp là một bệnh tim mạch phổ biến nhất, từ lâu đã trở thành mối quan tâm của nền y học .
Tại các Quốc gia phát triển xuất hiện hàng loạt các yếu tố phổ biến gây tăng huyết áp như béo phì, hút thuốc lá, ăn mặn. stress, đồng thời tuổi thọ ngày càng tăng tạo ra tỷ lệ nhiều người già bị tăng huyết áp. Hằng năm có hàng triệu người bị tử vong hoặc tàn phế do tăng huyết áp gây ra. Biến chứng sợ nhất của tăng huyết áp là tai biến mạch máu não, khiến bệnh nhân bị liệt không thể sinh hoạt, làm việc bình thường,có người phải nằm liệt giường, điều này tạo nhiều áp lực khó khăn cho bản thận, cho gia đình và cho xã hội. Chi phí cho việc chăm sóc đối với những người tăng huyết áp, đặc biệt những người có tai biến rất lớn và trở thành vấn đề khó khăn cho xã hội .
Đối với bệnh tăng huyết áp triệu chứng thường không rõ ràng và không phải trường hợp nào cũng có. Hầu hết các bệnh nhân phát hiện bị tăng huyết áp một cách tình cờ trong những lần đi khám bệnh. Do đó nhiều người chỉ nhận ra bản thân họ bị tăng huyết áp khi họ bị tai biến mạch máu não. Vì vậy không thể căn cứ vào triệu chứng nhức đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ huyết áp. Tốt nhất nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ với những người chưa cao huyết áp và khi nghi ngờ cao huyết áp cần phải theo dõi và đo huyết áp nhiều lần.
Để giúp cho người bệnh không chỉ hiểu biết thêm về một căn bệnh phổ biến này, mà còn giúp cho người bệnh biết được các phương thức sinh hoạt hàng ngày nhằm kiểm soát được bệnh cũng như tăng được chất lượng cuộc sống cho chính bản thân người bệnh THA. Chúng tôi biên soạn một số nội dung để mọi người bệnh THA có thể tham khảo, thực hiện và hợp tác với các thầy thuốc chuyên khoa nhằm hạn chế tối đa các tai biến của bệnh, đem lại chất lượng cuộc sống có sức khoẻ, hạnh phúc và tuổi thọ cho mọi người.
Chế độ ăn uống
1/ Ăn hạn chế muối: Trong một ngày nên từ khoảng 5 đến 6 gam (kể cả muối trong thức ăn), tương đương 1 muỗng café. Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao: giò chả, thịt xông khói, thịt muối, các loại thực phẩm tẩm ướp sẵn.
2/ Kiêng rượu, thuốc lá, chè đặc. Tránh lao động trí óc căng thẳng, lo lắng quá độ. Khi làm việc căng thẳng nên nghĩ ngơi tránh bị stress.
3/ Nếu có bị béo phì thì nên giảm trọng lượng, ăn hạn chế chất bột đường, giảm lượng calo đưa vào, không nên ăn quá nhiều trứng, đồ chiên xào, không ăn quá nhiều mỡ động vật, không ăn các phủ tạng động vật (óc,tim, gan, bầu dục, lòng đỏ trứng gà), ăn dầu ăn (lượng vừa phải) thay mỡ, ăn thêm lạc, vừng trong chế độ ăn uống cho bệnh cao huyết áp.
Ngoài ra nên ăn nhiều rau xanh, chất xơ và chú ý tăng cường vận động thể lực vừa sức để giảm bớt trọng lượng.
4/ Nên ăn thêm những thức ăn sau trong chế độ ăn uống cho bệnh cao huyết áp:
- Những thức ăn giàu Kali có nhiều trong rau quả như khoai và đậu đỗ, rau dền, dưa chuột, bắp cải, súp lơ, su hào, carot, xà lách, đậu cove, giá đỗ, cải xoong, cà chua, cam ,chanh, chuối, mận, mơ, dưa hấu.
- Những thức ăn có nhiều Canxi: Sữa tách bơ, và các chế phẩm của sữa là nguồn cung cấp canxi.
- Nên ăn những thịt có chứa ít chất béo trong chế độ ăn uống của bệnh cao huyết áp như: thịt bò nạc, thịt gà nạc, thịt thăn lợn, cá nạc, đậu đỗ.
Chế độ luyện tập
Cơ sở sinh lý của rèn luyện sức khoẻ ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều hòa lượng cholesterol máu, kìm chế quá trình xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu trong các cơ hoạt động và giảm sức cản máu ngoại biên - kết quả là giảm huyết áp. Nhưng cần phải nhớ rằng, phải qua 2-3 tháng tập luyện thường xuyên huyết áp mới bắt đầu hạ xuống, bởi vậy tập luyện đòi hỏi phải kiên trì. Tuỳ theo tình trạng sức khỏe có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hay tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ.
Nguyên tắc tập luyện chung là thường xuyên, liên tục và nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập. Khi tập luyện bắt đầu cho ta cảm giác dễ chịu, cần tăng dần thời gian chạy đến 20-30 phút/ngày. Để đạt được hiệu quả tốt, cần phải tập chạy thường xuyên hàng ngày.
Chú ý, những bệnh nhân bị tăng huyết áp thì tập luyện phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của thầy thuốc. Với những bệnh nhân tăng huyết áp độ III (trên 180/110mmHg) thì cần phải kiểm soát được huyết áp bằng việc dùng thuốc trước, sau đó mới tiến hành chương trình tập luyện bằng các bài tập đi bộ nhanh kết hợp tập các bài tập thở, sau một số tuần có thể tăng tốc độ hoặc quãng đường đi bộ. Khi có biểu hiện suy tim thì chống chỉ định hoàn toàn với tập luyện, bệnh nhân chỉ đi dạo, hít thở không khí trong lành.
Tóm lại, tập luyện thường xuyên với tần suất và cường độ hợp lý với các bài tập như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp lực kế ...là những bài tập cực kỳ hữu hiệu có tác dụng điều hòa huyết áp tốt và đây là một phương pháp chữa có giá trị độc lập hoặc bổ sung cho phương pháp điều trị dùng thuốc.
- 29/09/2014 20:01 - HIV/AIDS là gì ? Các thuốc điều trị HIV/AIDS
- 29/09/2014 19:48 - Chăm sóc dinh dưỡng ở bệnh nhân đột quỵ
- 28/09/2014 19:51 - Loét và cách phòng chống
- 26/09/2014 09:38 - Ethanol
- 26/09/2014 08:54 - Những thành tựu từ liệu pháp tế bào gốc
- 23/09/2014 16:32 - Các nguyên tắc lấy máu làm xét nghiệm đông máu và …
- 23/09/2014 16:16 - Sự cần thiết nhịn ăn uống trước khi bệnh nhân phẫu…
- 22/09/2014 19:44 - Công văn điện tử
- 22/09/2014 19:23 - Các thuốc gây tăng huyết áp
- 20/09/2014 09:02 - Trưa nắng