BS Nguyễn Thị Kiều Trinh -
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỉ lệ mổ lấy thai thì tốt nhất chỉ nên dưới 15%, và nếu không vì lý do y khoa thì không được mổ lấy thai trước 39 tuần. Tỉ lệ mổ lấy thai vượt trên 15% sẽ xảy ra nhiều tai biến hơn cho mẹ và con.Trong vòng 30 năm qua, số ca mổ lấy thai tiếp tục tăng cao trên thế giới và Việt Nam. Tại TP HCM, tỷ lệ mổ lấy thai ở một số bệnh viện tư có nơi lên đến 70% (theo thống kê Bộ Y tế).
Có hai phương pháp sinh là sinh qua ngả âm đạo còn gọi là sinh thường và mổ lấy thai hay còn gọi là sinh mổ. Sinh mổ có thể chia làm 02 loại:
Mổ lấy thai chủ động trước khi chuyển dạ : mẹ không thể sinh thường như người mẹ có bệnh lý tiền sản giật nặng không đủ điều kiện khởi phát chuyển dạ, nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược, khung xương chậu hẹp, u tiền đạo... Bên cạnh đó, tử cung có sẹo xấu trong lần mổ trước, âm đạo bị chít hẹp bẩm sinh hay mắc phải hoặc bị rách trong các lần đẻ trước không được khâu phục hồi tốt, hoặc do mổ sa sinh dục, do dị dạng sinh dục như tử cung đôi, tử cung 2 sừng hoặc mổ lấy thai do bóc nhân xơ tử cung.Về phía thai nhi có thể thấy các trường hợp như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai nhi có cân nặng quá lớn ( > 4000g), đa thai...
Mổ lấy thai khi đang chuyển dạ: mẹ mắc bệnh lý nội khoa không chịu đựng được chuyển dạ, mẹ có vết mổ cũ sẹo xấu, bị chảy máu âm đạo như trong nhau tiền đạo, doạ vỡ tử cung, nhau bong non, sa dây rau, thai to, ngôi thai bất thường, thai già tháng, đa thai, dây rốn quấn cổ gây suy thai hoặc đầu không lọt hoặc các bất thường khác phát sinh trong quá trình chuyển dạ...
Sinh thường mang đến nhiều lợi ích cho cả bà mẹ và em bé: mẹ bình phục nhanh hơn, sữa về sớm hơn, đồng thời nếu lần đầu sinh thường thì tỷ lệ sinh thường ở lần sau rất cao. Mẹ sinh thường qua ngả âm đạo cũng có lợi cho hệ hô hấp của trẻ sơ sinh, giúp tống xuất các chất tiết dịch mũi, hầu họng ra ngoài; có thêm lợi khuẩn, sức đề kháng tốt hơn trẻ sinh mổ...
Trong khi đó, dù sinh mổ giúp cuộc “vượt cạn” diễn ra chủ động, nhanh chóng, dễ dàng, ít đau, tuy nhiên, sản phụ có thể đối diện với nhiều nguy cơ như: chảy máu, nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ, làm tăng tỷ lệ thai bám sẹo mổ cũ, nhau cài răng lược… Nếu người mẹ sinh mổ con đầu lòng thì cơ hội sinh thường ở lần sau cũng sẽ hạn chế và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ nhiều hơn.
Chính vì vậy, các chuyên gia sản phụ khoa khuyên rằng, việc lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ cần do bác sĩ chỉ định, không nên xuất phát từ ý muốn chủ quan của người mẹ, gia đình như sợ đau khi sinh, chọn ngày lành tháng tốt để con ra đời…
Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam được chọn trong 8 bệnh viện tham gia Dự án QUALI-DEC – Sinh Con Sáng Suốt tại Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Minh Châu Âu đồng tài trợ. Xin mời các thai phụ và người nhà có thể xem video sách nói về lựa chọn sáng suốt khi sinh con: sinh thường hay sinh mổ.
Xem Video
- 08/04/2023 09:27 - Tập luyện thể dục trong giai đoạn mang thai
- 08/04/2023 09:20 - Chung tay bảo vệ nguồn nước sạch
- 08/04/2023 09:14 - Điều trị viêm gan C trên người bệnh HIV
- 04/04/2023 19:45 - Xét nghiệm cấy máu
- 04/04/2023 19:39 - Sự hài lòng của người hiến máu
- 31/03/2023 17:41 - Hoại thư Fournier
- 31/03/2023 07:24 - Vi khuẩn Clostridium Botulinum
- 28/03/2023 18:45 - Bệnh rỗng tủy
- 28/03/2023 16:51 - Phác đồ phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy đầu …
- 27/03/2023 11:51 - Tập huấn nâng cao kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn …