BS. Trần Thị Minh Thịnh -
1.Tổng quan.
Sử dụng rượu là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời, mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, rượu được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Nước ta là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu. Có tới 60% trong số người được khảo sát có sử dụng bia rượu, tỷ lệ này ở nhóm nam giới 86,8%, nữ giới 31,6%. Tuy nhiên, việc gia tăng tiêu thụ rượu như hiện nay đồng nghĩa với hao tổn nhiều về sức khỏe, tiền bạc và những hệ lụy khác. Việc lạm dụng rượu đứng hàng thứ 7 về nguy cơ của tử vong và gánh nặng về bệnh tật và chấn thương trên toàn cầu. Sử dụng rượu chiếm 6.8% tử vong chuẩn hóa theo tuổi ở nam giới và 2.2% ở phụ nữ, có ảnh hưởng không cân xứng đối với người trẻ.
Viêm gan do rượu xảy ra ở khoảng 30 đến 40 phần trăm những người lạm dụng rượu mãn tính. Tổ chức Y tế Thế giới (2014) về Rượu và Sức khỏe ước tính rằng 50 phần trăm tất cả các trường hợp tử vong do xơ gan là do lạm dụng rượu.
Tiêu thụ rượu quá mức là một vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Gan là nơi chính của quá trình chuyển hóa ethanol. Tiêu thụ rượu mạn tính và quá mức tạo ra hàng loạt các tồn thương gan đặc trưng nhất là tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan. Hiện nay chưa có biện pháp dược lý nào hoặc dinh dường nào được FDA phê chuẩn để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh gan do rượu.
Mối quan hệ nhân quả giữa việc uống rượu và bệnh gan do rượu đã được ghi nhận rõ ràng, xơ gan phát triển chỉ trong 10-20% người uống rượu quá nhiều. Mặc dù uống rượu là một yếu tố chính trong sự phát triển của bệnh gan, nhưng một số yếu tố đồng mắc tạo điều kiện cho tổn thương gan.
Phản ứng sớm nhất khi uống nhiều rượu được đặc trưng bởi sự lắng đọng chất béo trong tế bào gan. Gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ, đây là một loại tổn thương gan nặng hơn, viêm nặng hơn. Giai đoạn này của bệnh gan có thể dẫn đến sự phát triển của xơ hóa.
2.Rượu là chất độc cho gan
Khi rượu, bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn đào thải qua đường nước tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ đến thẳng gan. Tại đây, chất cồn từ rượu, bia sẽ được gan xử lý, tiến hành quá trình khử độc. Tuy nhiên khả năng của gan chỉ có hạn, chỉ có thể xử lý một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu nồng độ cồn trong máu càng cao thì thời gian xử lý càng lâu. Khi lượng cồn vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde – chất rất độc không chỉ với gan mà còn cả với thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa, tích tụ lại ở lá gan. Các bệnh chủ yếu về gan mà những người uống rượu, bia gặp phải là: gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan; lâu ngày, tế bào gan bị phá hủy dẫn đến ung thư gan.
Uống rượu thúc đẩy tích lũy acetaldehyde và các gốc oxy phản ứng khác trong gan, một quá trình liên quan đến stress oxy hóa, làm suy giảm chuyển hóa tế bào gan và chết tế bào. Uống rượu cũng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gram âm đường ruột và tăng tính thấm của ruột, hậu quả là làm tăng nồng độ lipopolysaccharide, còn được gọi là nội độc tố, trong máu ngoại vi. Một lượng dư thừa lipopolysaccharide đến gan có thể kích hoạt các tế bào Kupffer, do đó tổng hợp các gốc tự do và các cytokine viêm dẫn đến sự khởi đầu của viêm hoại tử và biến đổi xơ hóa trong gan. Nội độc tố cũng hoạt hóa các tế bào gan hình sao yên lặng, là tế bào bị xơ hóa chính của gan tổn thương, qua đó kích thích sự bài tiết của các cytokine tiền viêm và sự khởi đầu và tiến triển của xơ hóa gan.
3. Bệnh gan do virus viêm gan C (HCV) và rượu.
Sử dụng rượu là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan có thể phòng ngừa được trên toàn thế giới, và bệnh gan do rượu là bệnh nội khoa mạn tính. Bệnh gan do rượu và do virus viêm gan không liên quan lẫn nhau. Trớ trêu là người lớn bị nhiễm HCV có khuynh hướng uống nhiều rượu hơn những người không nhiễm. Người lớn nhiễm HCV thường xuyên uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày, nhiều gấp đôi so với người không nhiễm HCV (35% vs 14%) và đối với việc thường xuyên uống hơn ba ly rượu mỗi ngày thì gấp gần 8 lần (19% vs 2%).
Sử dụng rượu có liên quan đến nhiễm HCV dai dẳng hơn và tổn thương gan rộng hơn không sử dụng rượu, vì tương tác giữa việc sử dụng rượu và HCV ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, độc tính tế bào và stress oxy hóa. Ngoài ra, việc sử dụng rượu có thể ảnh hưởng đến việc sao chép của virus HCV ở các một số phân nhóm bệnh nhân. Không có mức độ an toàn của việc sử dụng rượu được xác định cho bệnh nhân bị HCV, và ngay cả những người uống rượu vừa phải có thể bị xơ gan tiến triển. Một phân tích gộp cho thấy nguy cơ tương đối của tiến triển đến xơ gan hoặc bệnh gan mất bù là cao hơn 2,3 lần ở những bệnh nhân bị HCV có uống rượu so với nguy cơ ở những người bị HCV không uống rượu. Nhiễm HCV ở những bệnh nhân bị rối loạn sử dụng rượu có liên quan đến kết cục xấu hơn, chẳng hạn như nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong nội viện cao hơn ở bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu mà không bị nhiễm HCV. Mối liên quan này có thể được giải thích một phần bởi sự khác biệt của nhóm có các tình trạng đồng mắc hoặc hành vi liên quan đến sự sống còn kém; tuy nhiên, ngay cả trong các nghiên cứu đã tính toán các yếu tố đó, nhiễm HCV ở bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu có liên quan đến sự gia tăng tử vong mọi nguyên nhân và tử vong do gan. Ở bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu được nhập viện để giải độc, tử vong cao hơn nếu bệnh nhân bị nhiễm HCV so với không nhiễm, đặc biệt ở những bệnh nhân trẻ và bệnh nhân nhiễm HIV. Trong thời kỳ điều trị kháng virus dựa trên interferon cho nhiễm HCV, việc uống rượu có liên quan với tỷ lệ thấp hơn của đáp ứng về virus học kéo dài, chủ yếu là do tuân thủ thuốc thấp hơn. Trong thời kỳ thuốc kháng virus tác động trực tiếp, sử dụng rượu vẫn là một yếu tố chính góp phần cho xơ gan mất bù ở bệnh nhân nhiễm HCV, nhưng nó không làm giảm khả năng ức chế virus kéo dài. Không cần phải kiêng rượu để điều trị, và việc sử dụng rượu liên tục không phải là chống chỉ định để điều trị; tuy nhiên, tốt nhất nên khuyên bệnh nhân ngừng sử dụng rượu nếu họ dự định trải qua liệu pháp kháng virus để điều trị nhiễm HCV.
Suy gan cấp trên nền gan mạn tính. Sử dụng rượu là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây mất bù cấp ở những người mắc bệnh gan mạn tính, được gọi là suy gan cấp trên nền mạn và có liên quan đến suy cơ quan và tử vong ngắn hạn. Tuy nhiên, suy gan cấp trên nền mạn do rượu có tiên lượng tốt hơn so với suy gan do nhiễm trùng hoặc chảy máu tiêu hóa trên.
Việc kiêng rượu cải thiện kết cục lâm sàng ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn và có liên quan đến lợi ích sống còn ngay cả sau khi phát triển xơ gan. Vì vậy, kiêng rượu hoàn toàn là mục tiêu lâm sàng cho những bệnh nhân bị rối loạn sử dụng rượu và bệnh gan, đặc biệt là những người mà xơ gan đã phát triển.
4. Kết luận
Sử dụng rượu là phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh gan do virus viêm gan C và có liên quan đến kết cục kém. Bệnh gan tiến triển có thể làm phức tạp việc điều trị bằng thuốc cho rối loạn sử dụng rượu và hội chứng cai rượu. Các loại thuốc được phê duyệt cho rối loạn sử dụng rượu được kê đơn cho một số ít bệnh nhân, nhưng chúng có thể được sử dụng bởi các bệnh nhân mắc bệnh gan mạn. Kiêng rượu nên được khuyến khích ở những bệnh nhân mắc bệnh gan mạn. Ghép gan có thể được xem xét cho những bệnh nhân kiêng rượu và bị suy gan tiến triển. Có lẽ không sai khi mở rộng điều trị rối loạn sử dụng rượu trong thực hành lâm sàng hàng ngày để bao gồm điều trị ở những bệnh nhân mắc bệnh gan tiến triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lưu Bích Ngọc, Nguyễn Thị Thuyền(2018), Tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam một số kết quả điều tra quốc gia, Nhà xuất bản đại học kinh tế quốc dân.
- Daniel Fuster, M.D, Ph.D, and Jeffrey H. Samet, M.D, M.P.H.(2018), Alcohol Use in Patients with Chronic Liver, The new England journal off medicine.
- Natalia A. Osna, Ph.D; Terrence M. Donohue, Jr., Ph.D.; and Kusum K. Kharbanda, Ph.D(2017). Alcoholic Liver Disease: Pathogenesis and Current Management, Vol. 38, No. 2, pp147-161.
- 30/07/2020 11:00 - Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị COPD (p.2)
- 30/07/2020 10:36 - Phục hồi chức năng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch ch…
- 22/07/2020 16:14 - Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị COPD (p.1)
- 17/07/2020 13:57 - Ho và các thuốc điều trị ho
- 04/07/2020 14:28 - 21 mẹo ghi nhớ lâm sàng hữu ích
- 09/06/2020 19:23 - Một số lưu ý khi sử dụng các thuốc hạ đường huyết …
- 09/06/2020 17:42 - Giúp bạn vượt cạn
- 09/06/2020 11:28 - Hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết" …
- 05/06/2020 08:51 - Ngày môi trường thế giới 5/6
- 05/06/2020 06:28 - Chẩn đoán táo bón