Cổng game nổ hủ phổ biến nhất - Top 10 bảng xếp hạng game nổ hủ

  • Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết

  • PDF.

BS. Lê Văn Thành - 

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh nhất trên toàn thế giới và trở thành gánh nặng đối với y tế, kinh tế của hầu hết các quốc gia vùng nhiệt đới. Trong bối cảnh đó, cuộc họp lần thứ 10 Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã đồng thuận lấy ngày 15 tháng 6 hàng năm là ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết. Đây là một sự kiện vận động xã hội được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh sốt xuất huyết, huy động các nguồn lực của cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh, thể hiện sự quyết tâm của khu vực trong giải quyết những thách thức trong phòng chống sốt xuất huyết. Để hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, cùng tìm hiểu về căn bệnh sốt xuất huyết để có cách phòng chống bệnh hiệu quả.

Tổng quan

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

muoiasde

Muỗi Aedes aegypti

Sốt xuất huyết Dengue phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp cả ở trẻ em và người lớn.

Hầu hết những người bị sốt xuất huyết sẽ không có triệu chứng. Nhưng đối với những người mắc bệnh có triệu chứng, các triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao, nhức đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban. Đa phần sẽ khá hơn sau 1–2 tuần. Một số người bị sốt xuất huyết nặng và cần được chăm sóc tại bệnh viện. Trong trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết có thể gây tử vong.

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bằng cách tránh muỗi đốt.

Triệu chứng

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn tiến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn tiến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

sotxhuyet1

Các giai đoạn sốt xuất huyết

Giai đoạn sốt:

  • Sốt cao đột ngột, liên tục.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh

Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.

Có thể có các biểu hiện sau

  • Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là vùng gan.
  • Vật vã, lừ đừ, li bì.
  • Gan to > 2 cm dưới bờ sườn, có thể đau.
  • Nôn ói.
  • Biểu hiện thoát huyết tương do tăng thấm thành mạch: tràn dịch màng phổi, màng bụng, mô kẽ, phù nề mi mắt; nặng hơn có thể sốc.
  • Xuất huyết: xuất huyết da, xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn máu, đi cầu phần đen, tiểu máu, xuất huyết âm đạo, …), xuất huyết nội tạng (não, phổi, gan, lách, thận, …)

Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 7 – 10 của bệnh

  • Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.
  • Có thể phát ban hồi phục và ngứa ngoài da.
  • Có thể nhịp tim chậm, không đều.
  • Có thể suy hô hấp do quá tải dịch truyền.

Chẩn đoán và phân độ

Bệnh sốt xuất huyết Dengue được phân thành 3 mức độ (theo WHO 2009)

sotxhuyet2

Phân độ sốt xuất huyết Dengue (WHO 2009)

Chẩn đoán căn nguyên virus Dengue

  • Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng nguyên NS1 hoặc kháng thể IgM, IgG từ ngày thứ 5 của bệnh.
  • Xét nghiệm PCR phân lập virus trong giai đoạn sốt.

Chẩn đoán phân biệt

  • Sốt phát ban do virus
  • Tay chân miệng
  • Sốt mò
  • Sốt rét
  • Nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, não mô cầu, vi khuẩn gram âm, …
  • Sốc nhiễm khuẩn
  • Các bệnh máu.
  • Bệnh lý ổ bụng cấp.

Sinh bệnh học và đường lây truyền bệnh

Sốt xuất huyết Dengue gây ra bởi virus Dengue, xảy ra khi virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể người.

sotxhuyet3

Sơ đồ giả thuyết về các sự kiện trong nhiễm virus sốt xuất huyết cấp tính.

Động lực học và vị trí tổng quát của sự nhân lên của virus được sơ đồ hóa liên quan đến sự hiện diện của virus trong máu có thể phát hiện được, các triệu chứng chung (sốt, đau cơ, nhức đầu, phát ban) và giai đoạn có nguy cơ thoát huyết tương, sốc, giảm tiểu cầu nghiêm trọng và chảy máu trong bệnh sốt xuất huyết sốt (DHF). Các phản ứng miễn dịch không đặc hiệu bao gồm việc sản xuất interferon (IFN) và hoạt động của tế bào giết tự nhiên (NK). Động học của hoạt hóa tế bào lympho T đặc hiệu với vi-rút sốt xuất huyết và sản xuất kháng thể đặc hiệu với vi-rút sốt xuất huyết xảy ra muộn hơn và có mức độ thấp hơn trong các ca nhiễm tiên phát (lần đầu tiếp xúc với virus sốt xuất huyết) so với các ca nhiễm thứ cấp (nhiễm sau đó với týp huyết thanh virus sốt xuất huyết thứ hai) .

Sự lây truyền của vi rút Dengue được duy trì thông qua chu kỳ giữa người - muỗi - người và liên quan đến giống muỗi Aedes aegypti.

sotxhuyet4

Đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết

Những người nhạy cảm bị nhiễm bệnh sau khi bị muỗi Aedes cái mang mầm bệnh đốt. Vi rút bắt đầu thấy xuất hiện trong máu người vào cuối giai đoạn ủ bệnh và vẫn tồn tại cho đến khi cơn sốt hạ, thường là 3 đến 7 ngày. Cá thể muỗi Aedes bất kỳ có thể bị nhiễm vi rút Dengue từ người đang nhiễm bệnh nếu chúng hút máu người này khi nồng độ vi rút trong máu người này đủ nhiều. Thời kỳ ủ bệnh của muỗi là 8 đến 12 ngày, sau giai đoạn này, muỗi lại có khả năng truyền vi rút sang người khác. Sau khi bị nhiễm, muỗi mang vi rút suốt đời và vẫn có khả năng lây truyền.

Ngoài con đường truyển bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Vi rút cũng có thê lây qua những con đường ít phổ biến hơn: Vi rút sốt xuất huyết có thể lây truyền qua các sản phẩm của máu, vết thương do kim tiêm và tiếp xúc với niêm mạc, ước tính tỷ lệ truyền DENV qua các sản phẩm máu là 37% . Vi rút cũng có khả năng truyền từ mẹ sang con ở những trường hợp trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi sinh (bao gồm cả trường hợp khởi phát triệu chứng vào ngày dự kiến sinh).

Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết Dengue, các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, biến chứng nếu có.

Điều trị sốt xuất huyết Dengue

Phần lớn điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm biến chứng sốc để xử trí kịp thời.

Xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp:

  • Sống một mình.
  • Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
  • Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
  • Trẻ nhũ nhi.
  • Dư cân, béo phì.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người lớn tuổi (≥ 60 tuổi).
  • Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu …)

Điều trị triệu chứng: Nếu sốt cao ≥ 38,5 oC, cho thuốc hạ sốt (paracetamol đơn chất, liều 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4 – 6 giờ, tổng liều ≤60 mg/kg cân nặng/24 giờ), nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.

Bù dịch sớm bằng đường uống: Nước oresol hoặc nước trái cây, cháo loãng với muối, uống theo nhu cầu, khuyến khích uống nhiều.

Theo dõi:

Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày, nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện điều trị.

Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau

  • Người bệnh khó chịu hơn dù giảm hoặc hết sốt.
  • Không ăn, uống được.
  • Nôn ói nhiều.
  • Đau bụng nhiều.
  • Tay chân lạnh, ẩm.
  • Mệt lả, bứt rứt.
  • Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
  • Không tiểu > 6 giờ.
  • Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã, li bì.

Điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: Người bệnh được cho nhập viện điều trị.

Điều trị triệu chứng và bù dịch đường uống (nếu còn khả năng uống)

Truyền dịch: Chỉ định khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu

  • Lừ đừ.
  • Không uống được nước.
  • Nôn ói nhiều.
  • Đau bụng nhiều.
  • Có dấu hiệu mất nước.
  • HCT tăng cao.

Dịch truyền lựa chọn bao gồm: Ringer lactate, Ringer acetate, NaCl 0,9%.

Theo dõi: Theo dõi mạch, HA, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và HCT mỗi 4 – 6 giờ.

Điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng: Người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu.

Điều trị sốc:

  • Nằm đầu thấp, thở oxy
  • Bù dịch nhanh theo phác đồ
  • Thuốc vận mạch nếu không đáp ứng bù dịch

Điều trị xuất huyết nặng

Theo dõi các biểu hiện và gợi ý xuất huyết nặng trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue để truyền máu và các chế phẩm máu kịp thời và đúng chỉ định.

Điều trị suy tạng nặng

Điều trị tổn thương gan nặng, suy gan cấp

  • Tránh các thuốc gây tổn thương gan.
  • Điều trị rối loạn đường máu, điện giải, đông máu.
  • Kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn
  • Điều trị bệnh lý não gan

Điều trị tổn thương thận cấp

  • Chống sốc nếu có.
  • Cân bằng dịch xuất – nhập.
  • Tránh thuốc gây tổn thương thận.
  • Xem xét chỉ định thay thế thận.

Điều trị sốt xuất huyết Dengue thể não

Chẩn đoán: rối loạn tri giác, co giật hoặc có dấu thần kinh khu trú, loại trừ các nguyên nhân khác: hạ đường huyết, rối loạn điện giải, kiềm toan, giảm oxy máu nặng, xuất huyết não, màng não, viêm não màng não do nguyên nhân khác.

Điều trị

  • Đầu cao 30o
  • Thở oxy nếu có giảm oxy máu
  • Đặt nội khí quản bảo vệ đường thở các trường hợp mê sâu.
  • Chống co giật (nếu có)
  • Điều trị hạ đường huyết, rối loạn điện giải, kiềm toan (nếu có).
  • Hạ sốt (nếu có).

Điều trị viêm cơ tim, suy tim

  • Chẩn đoán: đau ngực, khó thở, tim nhanh, sốc, tăng men tim, thay đổi điện tâm đồ, hình ảnh học (siêu âm , Xquang).
  • Điều trị: Đo CVP đánh giá huyết động, sử dụng vận mạch, xem xét chỉ định ECMO.

Gánh nặng y tế toàn cầu

Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây, với các trường hợp được báo cáo cho WHO đã tăng từ 505.430 trường hợp vào năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019. Phần lớn các trường hợp không có triệu chứng hoặc nhẹ và tự kiểm soát, và do đó thực tế số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo thấp. Nhiều trường hợp còn bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh sốt khác.

sotxhuyet5

Bản đồ dịch tễ Dengue

Một ước tính mô hình cho thấy 390 triệu ca nhiễm vi-rút sốt xuất huyết mỗi năm, trong đó 96 triệu ca có biểu hiện lâm sàng.

Căn bệnh này hiện đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia trong các khu vực của WHO ở Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các khu vực Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong đó Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Số ca mắc sốt xuất huyết lớn nhất từng được báo cáo trên toàn cầu là vào năm 2019. Tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng và sự lây truyền sốt xuất huyết lần đầu tiên được ghi nhận ở Afghanistan. Khu vực Châu Mỹ đã báo cáo 3,1 triệu trường hợp, với hơn 25.000 trường hợp được phân loại là nghiêm trọng. Một số lượng lớn các trường hợp đã được báo cáo ở Bangladesh (101 000), Malaysia (131 000) Philippines (420 000), Việt Nam (320 000) ở Châu Á.

Tình hình sốt xuất huyết tại Việt Nam năm 2023 và khuyến cáo của Bộ y tế

Theo Bộ Y tế, trong 2 tháng đầu năm 2023, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh miền Nam và miền Trung. Tính đến tháng 4 cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 3 ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hoà.

sotxhuyet6

Tình hình dịch sốt xuất huyết 2023 và khuyến cáo của Bộ y tế

Trước tình hình gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị tích cực, chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Trong công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký cho biết, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2023, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh miền Nam và miền Trung.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước tháng cao điểm năm 2023, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung, cụ thể:

Tích cực truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước và trong mùa dịch; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch sốt xuất huyết; phát huy vai trò của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống sốt xuất huyết. Tổ chức, triển khai chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Phòng ngừa

Hiện nay cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất vẫn là diệt muỗi, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh môi trường. Một số loại vắc-xin (Dengvaxia) đã được phê duyệt và cấp phép ở một số quốc gia. Tuy nhiên, chỉ những người có bằng chứng về nhiễm sốt xuất huyết trong quá khứ mới có thể được bảo vệ bằng vắc-xin này. Một số ứng cử viên vắc-xin sốt xuất huyết bổ sung đang được đánh giá.

sotxhuyet7

Cách phòng chống sốt xuất huyết

Nguồn tham khảo

  1. Bộ Y tế (2019), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue.
  2. Stephen, J.T. (2021), Dengue virus infection: Epidemiology, uptodate.com,
  3. Stephen, J.T. (2021), Dengue virus infection: Pathogenesis, uptodate.com,
  4. Thông tấn xã Việt Nam (2021), Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết, infographics.vn,
  5. Thông tấn xã Việt Nam (2023), Số ca mắc mới sốt xuất huyết của cả nước tăng gấp đôi, infographics.vn,
  6. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM - HCDC (2020), Lịch sử ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, hcdc.vn,
  7. World Health Organization (2023), Dengue and severe dengue, who.int,

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 11 Tháng 6 2023 21:58

You are here Tin tức Tin tức y học Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết