Khoa Dược
Fluoroquinolon là nhóm kháng sinh tổng hợp phổ rộng được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng. Các thuốc trong nhóm này có thể được sử dụng ở dạng uống và dạng tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị các nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da, mô mềm, nhiễm khuẩn tiêu hóa và một số tình trạng nhiễm khuẩn nặng. Tại Việt Nam, các fluoroquinolon được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch bao gồm ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin, ofloxacin và pefloxacin.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về phản ứng có hại của thuốc (ADR) gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng tại vị trí tiêm truyền khi sử dụng một số kháng sinh nhóm fluoroquinolon. Thống kê báo cáo ADR được các cơ sở khám, chữa bệnh gửi về từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2015 cho thấy đã có 216 báo cáo về phản ứng tại vị trí tiêm truyền liên quan đến các fluoroquinolon được ghi nhận, chiếm 42,5% số báo cáo về các fluoroquinolon dùng đường tĩnh mạch. Trong đó, đa số báo cáo liên quan đến ciprofloxacin (150 trường hợp) và levofloxacin (56 trường hợp) (bảng 1).
Cơ sở dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phản ứng có hại (Vigibase) giai đoạn từ tháng 01/2014 đến 6/2015 cũng đã ghi nhận 819 báo cáo mô tả các phản ứng tại vị trí dùng thuốc trong tổng số 31182 báo cáo liên quan đến 5 hoạt chất fluoroquinolon nói trên. Trong đó, số lượng báo cáo liên quan đến ciprofloxacin và levofloxacin cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (tương ứng với 443 và 292 trường hợp) (bảng 2).
Phản ứng tại vị trí tiêm truyền là phản ứng có hại thường gặp khi sử dụng ciprofloxacin, levofloxacin, ofloxacin (tỷ lệ trên 1%) và moxifloxacin, pefloxacin (chưa rõ tỷ lệ). Biểu hiện của phản ứng bao gồm cảm giác đau, ngứa, đỏ hoặc viêm tĩnh mạch tại vị trí truyền do tĩnh mạch bị kích ứng. Với ciprofloxacin, phản ứng thường được cải thiện nhanh chóng sau khi kết thúc tiêm truyền, do đó thường không cần ngừng hay đổi thuốc, trừ khi phản ứng lặp lại và nặng hơn ở các lần dùng thuốc sau đó.
Cơ chế của phản ứng hiện vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, yếu tố liên quan nhiều nhất đến sự xuất hiện kích ứng nơi tiêm khi tiêm truyền ciprofloxacin được cho là thời gian truyền ngắn (dưới 30 phút) và truyền qua tĩnh mạch nhỏ. Với các quinolon khác, chưa tìm được mối liên hệ giữa tốc độ truyền và nguy cơ xảy ra kích ứng, tuy nhiên truyền nhanh cũng làm tăng nguy cơ gây mạch nhanh, hạ huyết áp tạm thời (đối với levofloxacin) hoặc kéo dài khoảng QT (đối với moxifloxacin).
Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện kích ứng tại vị trí tiêm truyền, cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình truyền thuốc:
- Độ pha loãng của dung dịch, tốc độ tiêm truyền và vị trí tiêm truyền: Trừ trường hợp thuốc ở dạng dung dịch pha sẵn để truyền, các fluoroquinolon dưới dạng dung dịch đậm đặc đều cần pha loãng trong dung môi phù hợp và phải được truyền chậm qua tĩnh mạch lớn. Khuyến cáo về thời gian và nồng độ dung dịch tiêm truyền các fluoroquinolon cụ thể như sau (bảng 3):
- Ưu tiên sử dụng thuốc qua đường uống do các fluoroquinolon trên đều được hấp thu nhanh và dễ dàng qua đường tiêu hóa với sinh khả dụng từ 80-100% ,(ít bị chuyển hóa qua gan lần đầu). Chỉ sử dụng đường tiêm truyền khi người bệnh không thể dùng thuốc qua đường uống hoặc khi đường tĩnh mạch mang lại nhiều lợi ích điều trị hơn. Sau đó nên cân nhắc chuyển ngay sang dạng uống khi điều kiện lâm sàng cho phép để tiếp tục hoàn thành liệu trình điều trị và giảm thiểu nguy cơ gây kích ứng tại vị trí tiêm truyền. Việc chuyển từ dạng truyền tĩnh mạch sang dạng uống cũng có thể giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Căn cứ số liệu báo cáo và phản hồi thông tin của trung tâm ADR quốc gia, Đơn vị Thông tin thuốc khoa Dược kính báo đến Bác sĩ điều trị, cử nhân, điều dưỡng tư vấn, giải thích và xử lý kịp thời phản ứng không mong muốn theo khuyến cáo của thông tin trên.
- 05/06/2016 14:01 - Cập nhật thông tin khuyến cáo mới
- 03/06/2016 12:38 - Kháng sinh nhóm fluoroquinolon – những vấn đề cần …
- 01/06/2016 16:57 - Những điều cần chú ý khi thực hiện Quy định về kê …
- 13/05/2016 20:21 - Danh mục thuốc cần chú ý đặc biệt (nhìn giống nhau…
- 25/04/2016 15:31 - Khuyến cáo đặc biệt với kháng sinh cefotaxim
- 01/04/2016 20:25 - Sử dụng kháng sinh theo nhiễm khuẩn
- 28/03/2016 21:25 - Áp dụng quy định mới về kê đơn thuốc trong điều tr…
- 15/03/2016 20:32 - Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn th…
- 29/02/2016 13:37 - Sử dụng hợp lý, an toàn thuốc chống đông kháng vit…
- 26/02/2016 20:01 - Những loại thuốc bổ sung và thay thế trong điều tr…