KTV Trần Thị Lệ Trang - Khoa PHCN
I. TÁC DỤNG SINH LÝ CỦA XOA BÓP VÀ VẬN ĐỘNG
1.1. Đối với hệ thần kinh
- Xoa bóp và vận động tác động trực tiếp lên các thụ cảm thể thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các phản xạ thần kinh đáp ứng từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, gây thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, và điều hòa chức năng nội tạng. Một số công trình nghiên cứu cho thấy, xoa bóp và một số bài tập vận động còn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương tiết ra endorphine gây cảm giác dễ chịu, khoan khoái, giảm căng thẳng, điều này cũng cho phép giải thích hiện tượng “nghiện xoa bóp” ở những người được xoa bóp liên tục trong một thời gian dài.
- Xoa bóp lên vùng phản xạ thần kinh thực vật cạnh sống gây ra các ảnh hưởng rõ rệt lên hoạt động của các cơ quan nội tạng, vì vậy người ta chú trọng xoa bóp lên vùng đầu mặt cổ, lưng và thắt lưng cùng, coi đó là vùng tác động chính để chữa các bệnh nội tạng.
- Xoa bóp trực tiếp lên các dây thần kinh hay đám rối thần kinh có thể gây tăng hoặc giảm cảm giác, kích thích vận động, kích thích quá trình phát triển tái sinh nhanh những sợi thần kinh bị tổn thương.
1.2. Đối với hệ tuần hoàn và chuyển hóa dưới da
- Da và tổ chức dưới da có mạng lưới tuần hoàn mao mạch và bạch huyết rất phong phú, khi xoa bóp và vận động sẽ làm giãn hệ thống mao mạch này làm tăng tuần hoàn và dinh dưỡng tại chỗ. Có thể nói xoa bóp và vận động là một biện pháp làm tăng dinh dưỡng tổ chức do giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, giảm phù nề, và giảm đau rõ rệt, đặc biệt là đau do co mạch và chèn ép do phù nề.
- Do hiện tượng giãn mạch, dẫn đến làm tăng quá trình chuyển hóa tại chỗ, tăng bài tiết và đào thải mồ hôi, tăng bài tiết nước tiểu, tăng quá trình oxy hóa khử, tăng huyết sắc tố và lượng hồng cầu trong máu.
1.3. Đối với da và tổ chức dưới da
Da có nhiều chức năng quan trọng như: bảo vệ, điều hòa thân nhiệt, bài tiết, nhận cảm, thẩm mỹ... Xoa bóp và vận động có tác dụng rõ rệt đối với da và tổ chức dướida:
- Giữ tính đàn hồi của da, kích thích chức năng miễn dịch không đặc hiệu của da, tăng chức năng bảo vệ của da.
- Điều hòa chức năng bài tiết mồ hôi và tuyến bã nhờn.
- Gây giãn mạch, làm tăng lưu thông máu và bạch huyết, tăng cường dinh dưỡng da và tổ chức dưới da làm cho da trở nên mịn màng và hồng hào, bởi vậy xoa bóp được coi là một phương pháp thẩm mỹ cho da.
- Ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và làm tiêu lớp mỡ dưới da.
- Làm bong các xơ dính của tổ chức do chấn thương hoặc vết thương, làm mềm tổ chức sẹo.
- Làm bong các tế bào chết và làm sạch da.
1.4. Đối với hệ vận động (gân, cơ, khớp, dây chằng)
- Đối với gân và cơ: Xoa bóp và vận động làm tăng tính đàn hồi của gân, cơ, phát triển khối lượng cơ, tăng sức cơ, tăng tuần hoàn dinh dưỡng cơ để phòng chống teo cơ cứng khớp. Xoa bóp và vận động còn làm tăng thải trừ nhanh các sản phẩm chuyển hóa của cơ sau quá trình vận động thể lực (quan trọng nhất là acid lactic) giúp khắc phục hiện tượng đau mỏi cơ, mỏi mệt thần kinh sau lao động và tập luyện thể thao.
- Đối với xương khớp: Xoa bóp và vận động làm tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp. Đối với khớp hạn chế vận động chủ động, xoa bóp kết hợp với tập vận động giúp phục hồi chức năng của khớp. Đối với liệt thần kinh - cơ, khớp không được vận động lâu ngày dẫn đến cứng khớp và gây đau đớn, xoa bóp và vận động khớp giúp dự phòng và điều trị cứng….
II. CÁC KỸ THUẬT XOA BÓP CƠ BẢN
2.1. Xoa vuốt
- Xoa vuốt là kỹ thuật kích thích nhẹ chủ yếu trên da và tổ chức dưới da, nhằm kích thích mạng lưới mao mạch và thụ cảm thể thần kinh tại chỗ, có tác dụng gây giãn mạch, tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng da, giảm đau, giảm phù nề, làm bong lớp sừng chết làm cho da mịn màng.
- Kỹ thuật:
+ Xoa: Dùng đầu ngón tay, gốc gan bàn tay hoặc mô ngón tay út, ngón tay cái xoa tròn lên da chỗ đau, tay KTV di chuyển trên da bệnh nhân. Là thủ thuật mềm mại, thường dùng ở bụng hoặc nơi sưng đau. Tác dụng giảm sưng đau tại chỗ.
+ Vuốt: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, hoặc mô ngón cái vuốt lên da theo hướng thẳng. Tay KTV di chuyển trên da người bệnh, cũng có khi dùng dầu hay bột tan để làm trơn da. Kỹ thuật này có thể áp dụng ở toàn thân. Tác dụng làm mềm gân cơ, giảm đau, giảm sưng nề.
2.2. Day miết
- Day miết là kỹ thuật kích thích sâu hơn, đặc biệt đối với cơ, gân, dây chằng, các mạch máu, dây thần kinh hoặc đám rối thần kinh. Tác dụng gây giãn mạch và tăng lưu thông máu ở sâu, tăng dinh dưỡng tổ chức cơ và thần kinh, chống teo cơ, day mạnh gây tăng trương lực cơ.
- Kỹ thuật:
+ Day: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón cái hơi dùng sức ấn xuống da người bệnh và di động theo đường tròn. Thường làm chậm, mức độ nặng hay nhẹ, to hay nhỏ tùy tình hình bệnh. Là thủ thuật mềm mại, dùng ở nơi đau và có nhiều cơ. Tác dụng giảm sưng đau.
+ Miết: Dùng đầu ngón tay cái miết chặt vào da người bệnh rồi miết theo hướng thẳng. Tay KTV di động làm kéo căn da người bệnh. Kỹ thuật hay dùng ở đầu, bụng, chi thể.
+ Phân và hợp: Như kỹ thuật miết nhưng dùng cả hai đầu ngón tay cái, hoặc mô ngón út hai tay; từ cùng một chỗ miết ra hai bên gọi là phân, từ hai chỗ khác nhau miết về cùng một chỗ gọi là hợp. Kỹ thuật này hay dùng xoa bóp ở đầu mặt.
2.3. Nắn bóp
- Nắn bóp có tác dụng chính lên các cơ, dây chằng, gân, tổ chức quanh khớp. Gây giãn mạch tại chỗ rõ rệt, tăng dinh dưỡng tổ chức cơ, chống teo cơ, nắn bóp mạnh làm tăng trương lực cơ. Là một phương pháp tốt để nuôi dưỡng tổ chức cơ nên được coi như một hình thức vận động thụ động đối với các cơ. Nắn bóp trực tiếp lên gân, dây chằng hay thần kinh được sử dụng nhiều trong chống đau, chống co cứng cơ, kích thích cơ - thần kinh bị liệt...
- Kỹ thuật:
+ Véo: Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp và kéo da lên, hai tay làm liên tiếp làm cho da người bệnh luôn luôn như bị cuộn giữa các ngón tay KTV. Hay dùng ở lưng và trán.
+ Bóp: Dùng ngón cái và các ngón tay kia bóp vào cơ hoặc gân bị bệnh. Có thể bóp bằng hai, ba, bốn hay năm ngón tay. Có thể vừa bóp vừa hơi kéo lên, không nên dùng lực bóp ở đầu ngón tay sẽ gây đau, mà dùng lực ở đốt thứ 3 ngón tay để bóp. Kỹ thuật này dùng ở cổ, vai, gáy, nách, chi thể. Sức bóp mạnh hay nhẹ tùy trường hợp cụ thể.
2.4. Đấm chặt
- Đấm chặt là hình thức tác động sâu đến cả xương khớp và toàn thân do truyền lực tùy theo mức độ mạnh hay nhẹ. Nếu đấm nhẹ và nhịp nhàng sẽ có tác dụng gây ức chế thần kinh trung ương, giảm đau, tạo cảm giác dễ chịu chống mệt mỏi. Đấm chặt thường được sử dụng nhiều trong xoa bóp lưng và chi thể.
- Kỹ thuật:
+ Đấm: Bàn tay nắm dùng mô ngón út hoặc bàn tay úp đấm vào chỗ đau.
+ Chặt: Bàn tay duỗi, dùng mô ngón út chặt liên tiếp vào chỗ đau. Nếu làm ở đầu thì xòe ngón tay, dùng ngón út để chặt vào đầu người bệnh.
+ Phát: Bàn tay hơi khum, giữa lòng bàn tay hơi lõm, phát từ nhẹ đến nặng vào chỗ bị bệnh. Khi phát da bị đỏ lên do áp lực không khí trong lòng bàn tay tăng gây lên. Thường dùng ở vai, thắt lưng, tứ chi, bụng, vùng sau phổi để tăng thông khí phổi.
2.5. Rung lắc
- Rung lắc có tác dụng lan tỏa sâu và rộng, có thể kích thích hoặc phục hồi các phản xạ và dẫn truyền thần kinh. Rung lắc với tần số chậm, nhịp nhàng gây ức chế thần kinh trung ương và giảm đau, giảm trương lực cơ. Rung lắc có ảnh hưởng trực tiếp đến xương và khớp. Ngày nay ngoài kỹ thuật rung lắc bằng tay, người ta đã sản xuất ra các loại máy rung lắc toàn thân, cầm tay, các loại ghế, giường xoa bóp và rung lắc rất tiện lợi.
- Kỹ thuật: Người bệnh ngồi thẳng, tay buông thõng, kỹ thuật viên đứng, hai tay cùng nắm cổ tay người bệnh, hơi dùng sức rung từ tay lên vai để tay người bệnh rung như làn sóng. Tác dụng làm mềm cơ, trơn khớp, giảm mỏi mệt.
2.6. Bấm huyệt
- Bấm huyệt là một kỹ thuật điều trị của Y học cổ truyền, là phương pháp dùng tay để tác động lên huyệt, đem lại hiệu quả điều trị rất cao. Cơ chế tác dụng ngoài những tác động lên hệ thần kinh, da... còn được giải thích theo nguyên lý của Y Học Cổ Truyền.
- Kỹ thuật:
+ Day huyệt: Dùng đầu ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay cái, mô ngón út day vào chỗ đau hoặc các vị trí huyệt
+ Bấm huyệt: Dùng đầu ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay cái, mô ngón út bấm vào chỗ đau hoặc các vị trí huyệt. Tác động chính là sức qua da vào cơ, xương hoặc vào huyệt.
+ Điểm huyệt: Dùng ngón tay cái, hoặc phần mu khớp đốt 2 và 3 ngón trỏ, ngón giữa, hoặc khuỷu tay, dùng sức ấn thẳng góc vào huyệt. Đây là thủ thuật tác động mạnh và sâu, thường dùng ở mông, lưng, thắt lưng, tứ chi.
III. CÁC KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG CƠ BẢN
3.1. Vận động động tác thô
3.1.1. Vận động thụ động
Trường hợp người bệnh mất khả năng tự thực hiện động tác, cần phải nhờ lực tác động trợ giúp hoàn toàn. Vận động thụ động cần thiết để duy trì tầm vận động của khớp, chống teo cơ và cứng khớp, dự phòng và điều trị đau do hạn chế vận động. Vận động thụ động có thể là:
- Bằng tay và lực của người khác (kỹ thuật viên hoặc người trợ giúp khác), cố gắng giúp người bệnh thực hiện hết tầm vận động tối đa có thể được. Vận động khớp nhằm làm cho khớp được bôi trơn và mở rộng tầm vận động đối với khớp vận động hạn chế.
Kỹ thuật: Người trợ giúp dùng một tay cố định phía trên khớp cần vận động, một tay vận động khớp theo tầm vận động của khớp. Nếu khớp bị hạn chế vận động thì cần kéo giãn khớp trong khi vận động nhưng phải hết sức chú ý đến phạm vi hoạt động của khớp lúc đó. Tránh làm quá mạnh gây đau đớn cho người bệnh
- Bằng đối lực, tư thế chống mẫu co cơ, các biện pháp kê chèn báo cát, gối đệm…
3.1.2. Vận động chủ động có trợ giúp
Trường hợp người bệnh có khả năng tự vận động được nhưng còn khó khăn và không hết tầm vận động, cần có sự trợ giúp thêm để thực hiện hết động tác cần thiết. Sự trợ giúp có thể là từ KTV và người nhà, dùng chi lành giúp chi liệt, dùng một số dụng cụ trợ giúp như ròng rọc, con lắc, tập vận động dưới nước để giảm bớt trọng lực của chi thể…
3.1.3. Vận động chủ động
Khi bệnh nhân đã tự mình thực hiện được động tác, tuy chưa thực chính xác nhưng cần khuyến khích người bệnh tập vận động chủ động lập đi lập lại nhiều lần theo sự hướng dẫn của KTV. Khi tập vận động chi nên tập ở gốc chi trước, cố gắng tập hết tầm vận động khớp.
3.1.4. Vận động có trở lực (vận động tăng tiến)
Khi các động tác vận động chủ động đã khá hơn thì tiến hành tập có trở kháng như nâng vật nặng, kéo ròng rọc có lực nặng, kéo lò xo…
3.2. Vận động phối hợp động tác
Là tập các động tác liên hoàn nhau, bao gồm các bài tập vận động trị liệu ở các mức độ khác nhau, có thể tập tay không hoặc sử dụng các dụng cụ như:
+ Các bài tập thể dục dưỡng sinh…
+ Tập với ròng rọc: Giúp cải thiện tập vận động khớp vai.
+ Thanh song song: Để tập đứng, tập đi.
+ Thang gióng thể dục: Tập vận động chi trên, chi dưới, cột sống và toàn thân.
+ Xe đạp lực kế: Tập vận động chi dưới.
+ Các máy tập đa năng khác.
3.3. Tập vận động dưới nước
- Lợi dụng lực đẩy Archimède làm trọng lượng cơ thể và chi thể giảm đi tạo điều kiện thuận lợi cho tập vận động dễ dàng hơn.
- Lợi dụng sức cản của nước để tạo lực đề kháng trong luyện tập.
IV. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
4.1. Chỉ định
- Chống đau: Đau đầu, đau vai gáy, đau lưng mạn tính, đau cơ, viêm đau dây, rễ thần kinh.
- Các trường hợp co cứng cơ: Liệt cứng, co cứng cơ do kích thích rễ, dây thần kinh.
- Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho da, dưới da, cơ, thần kinh trong các bệnh bại, liệt, teo cơ. Kích thích phục hồi dẫn truyền thần kinh trong tổn thương dây thần kinh ngoại vi hoặc tổn thương các đám rối thần kinh do các nguyên nhân khác nhau.
- Thư giãn, chống mệt mỏi căng thẳng thần kinh, giảm stress. Phục hồi cơ bắp sau tập luyện thể thao hay lao động nặng.
4.2. Chống chỉ định
- Không xoa bóp trong giai đoạn đau cấp tính, khi các cơ đang trong tình trạng co cứng do phản ứng, lúc này xoa bóp sẽ có tác dụng kích thích làm tăng mức độ co cứng cơ.
- Bệnh ác tính, các khối u, lao tiến triển.
- Suy tim, suy gan, suy thận nặng, suy dinh dưỡng.
- Các bệnh ưa chảy máu, các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, các bệnh da liễu.
- Không xoa bóp vào vùng hạch bạch huyết gây tổn thương và làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: đám hạch quanh tai và thái dương, đám hạch khuỷu, đám hạch bẹn...
- Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt tránh xoa bóp vào vùng thắt lưng và vùng bụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Xuân Nghiên, Cao Minh Châu, Trần Văn Chương, Vũ Thị Bích Hạnh (2010), “Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng - Sách chuyên khảo dùng cho cán bộ ngành Phục hồi chức năng”, Nhà xuất bản Y học.
2. Bộ Y tế ( 2005), “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện”, Nhà xuất bản Y học
- 22/11/2013 20:55 - Dịch tinh thể có thể tốt nhất cho điều trị ban đầu…
- 20/11/2013 09:18 - Sử dụng liệu pháp ánh sáng trong điều trị bệnh Alz…
- 20/11/2013 09:01 - Các phương pháp giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện
- 18/11/2013 20:37 - Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân gãy xương
- 18/11/2013 20:14 - Những điều cần biết về xét nghiệm amylase máu, amy…
- 18/11/2013 14:46 - Một số kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh da có…
- 18/11/2013 14:32 - Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD (phần…
- 15/11/2013 16:03 - Những điều cần biết về xét nghiệm cholesterol toàn…
- 14/11/2013 19:47 - Triển khai việc trả kết quả xét nghiệm trên máy vi…
- 14/11/2013 19:25 - Những điều cần biết khi sử dụng thuốc sát trùng ng…