Khoa Nội Tim mạch
Lúc 8h ngày 2 tháng 4 năm 2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân Lý thị H, 58 tuổi, quê ở xã Tam Vinh huyện Phú Ninh trong tình trạng liệt nặng nửa người bên trái, nói khó, tri giác lơ mơ tiếp xúc chậm. Ngay lập tức bệnh nhân đựợc chụp CT scan sọ não với kết quả bình thường. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm kết hợp bệnh sử và thăm khám lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 3. Bệnh nhân được hội chẩn và điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết Alteplase. Sau 30 phút, bệnh nhân bắt đầu hồi phục tình trạng yếu liệt, tri giác tỉnh táo hơn trong niềm vui sướng của gia đình và bác sĩ điều trị. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi, kết quả hồi phục rất tốt, có thể tự đi lại và sinh hoạt gần như bình thường sau 10 ngày điều trị.
Niềm vui của bệnh nhân hồi phục sau điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết
Đột quỵ nhồi máu não là một bệnh có khởi phát đột ngột, xảy ra do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não cấp tính và chiếm 80% nguyên nhân gây đột quỵ nói chung. Đột quỵ thường xảy ra ở những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc lá, người lớn tuổi…
Ảnh minh họa: cục máu đông gây tắc mạch não trong đột quỵ nhồi máu não
Việt Nam cũng là một quốc gia có tỷ lệ đột quỵ não rất cao, và đột quỵ não cũng là nguyên nhân gây tàn phế, tử vong hàng đầu, là gánh nặng thực sự cho gia đình người bệnh và toàn xã hội. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề khó khăn trong thực tế lâm sàng. Để giảm nguy cơ tử vong và tàn phế, điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Mục tiêu điều trị quan trọng nhất là tái thông mạch máu não bị tắc càng sớm càng tốt trong vòng 3 – 4,5 giờ đầu (thời gian vàng) vì nếu chậm trễ tổn thương não sẽ không hồi phục. Đây là điều mà trước đây chúng ta chưa làm được. Tại Việt Nam, hiện chỉ có một số bệnh viện lớn trên cả nước thực hiện được kỹ thuật điều trị này. Với việc triển khai thành công kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu não sớm đã mở ra những hy vọng mới cho bệnh nhân đột quỵ, góp phần giảm thiểu tử vong và tàn phế cho người bệnh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là do không có thông tin nên nhiều bệnh nhân bị đột quỵ thường đến bệnh viện quá trễ. Vì vậy, cần nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục các biện pháp dự phòng cũng như giúp người dân phát hiện sớm các dấu hiệu của đột quỵ nhằm đưa người bệnh đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ trong thời gian ngắn nhất.
Hãy sử dụng test nhanh (FAST test) để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ:
F = Face (mặt): Mặt có bị méo không (liệt mặt) ?
A = ARMS (tay/chân): Yếu liệt tay chân ?
S = SPEECH (khả năng nói): Có nói ngọng, nói khó hay không nói được ?
T = TIME (thời gian) nếu bạn thấy có những dấu hiệu trên hãy gọi 115 ngay hoặc đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Hãy nhớ “ khi có bất kỳ dấu hiệu nào của đột quỵ não, hãy đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ trong thời gian sớm nhất “
- 06/09/2015 19:14 - Nhân một trường hợp phình mạch não vỡ được can thi…
- 24/07/2015 11:46 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cứu sống bệnh nhâ…
- 09/07/2015 09:45 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam phẫu thuật thành …
- 08/06/2015 06:28 - Báo cáo trường hợp lâm sàng lồng ruột polype ở trẻ…
- 04/06/2015 16:06 - Nhân một trường hợp u tủy tương bào (bệnh Kahler) …
- 01/04/2015 21:23 - Nhân một trường hợp giảm đau sau mổ cắt tử cung to…
- 30/11/2014 18:34 - Hình ảnh ECG gì đây?
- 26/11/2014 14:37 - Nhân một trường hợp “Che phủ khuyết hổng phần mềm …
- 24/11/2014 12:14 - Nhân một trường hợp che phủ khuyết hổng phần mềm v…
- 24/10/2014 20:39 - Báo cáo nhân một trường hợp viêm thủng túi thừa me…